Dương

Dương

Trong tôi có một cái khoá. Khi Dương chết, cái khoá ấy đột ngột đóng lại, ngắt lấy sự tiến triển sinh học của tôi, khiến mình chỉ còn là cái bóng của một vệt mờ chìm lấp trong trận lũ hồi ức.

 




1 - Tháng Năm

Hôm qua chớm mở mắt đã nghe tiếng mưa. Lúc ấy vào tầm sáu giờ sáng. Mái nhà trải mình ra hứng lộp độp. Chẳng có con sẻ nào kêu trên ngọn cây mận trong sân. Vệt mây xám thấp thoáng phía sau khung cửa sổ để mở suốt đêm. Một con bướm chao rơi và chết đi trên không trung. Hơi gió mướt luồn dưới khe cửa. Tôi nằm nghe, chẳng nghĩ ngợi gì. Đơn giản mọi thứ đã định là vậy. Cả người thênh thênh như tấm rèm cửa căng trên sợi dây phơi sát bờ biển lồng lộng. Mưa. Buổi sớm nhuốm lạnh u ám. Chúng như hơi mỏng mềm, không lấm chút rạo rực khi hít ngửi hay chạm đến da thịt để khiến ta bận tâm. Như đám khói còn bảng lảng từ một điếu thuốc tàn ai đó xa lạ châm đêm trước.

Hôm qua, tôi có thăm mộ Dương. Chỗ cô an nghỉ trắng xanh màu gạch vữa và đám cỏ hoang lũng sũng. Dương nằm dưới đống gạch, cát và xi măng khum khum hình vòm đó. Tôi biết nhưng không làm gì. Đám cỏ đuôi chồn lay động, vờn vã xung quanh tấm bia áp hình cô. Cũng đôi mắt đó, phủ đầy những cái bóng loãng toang. Nhưng tôi không có cảm giác gì. Dương chết rồi, mọi ý thức của tôi về cô đã chìm sâu trong đại dương của sự mơ hồ.

Tôi gặp lại Chín Ngón trên đường về. Cậu hơi ngạc nhiên. Nhưng không chút do dự, cậu bảo rằng hai đứa có nên đi bộ lên triền dốc gần nhà cậu hay không. Tôi đã suy nghĩ một lúc rồi gật đầu. Nhà cậu ở cuối con dốc có một hàng sao cổ thụ, đã bắt đầu những mùa hoa bất tận của nó hàng chục năm về trước cứ mỗi độ hết xuân. Chúng tôi để xe ở đó và bắt đầu chuyến đi tình cờ. Tháng năm. Ttrải ra trước mắt là con dốc xưa cũ, xanh lặng màu nhựa đường. Đám cây sao xếp hàng như những tượng đài cổ, xù xì, sũng sĩnh mưa, trải ra một sắc xanh cao lộng của lá. Đám trái nâu rơi lả tả, xoay tròn như chong chóng trong không khí trước khi chạm vào vệ đường ướt nước.

Được một lúc, Chín Ngón hỏi : "Cậu vẫn giữ quyển sổ à?"

Quyển sổ ấy, tức là di vật của Dương để lại. Nói gì đây? Ừ thì mình vẫn giữ. Nhưng mình không có ý định mở nó ra đâu nhé. Thế là khiếm nhã với người chết, biết không? Có vẻ hơi yếu hèn.

Hạt nước mưa đọng trên một cánh sao nâu đẫm ướt rơi trúng mũi giày. Tiếng động làm tôi nhìn ngước sang bên. Cậu mặc áo khoác đen. Đôi vai phẳng lì làm liên tưởng đến một vách đá chìm trong đêm tối. Gương mặt đã sạm đi nhiều của cậu cũng như bị chìm đắm trong tấm vách đá của màn đêm ấy. Cậu nhìn tôi, đăm đăm như trong quá khứ. Tôi không thể khước từ :

"Phải, tôi vẫn giữ."

Chín Ngón không hỏi thêm. Chúng tôi im lặng đi cạnh nhau.




2 - Mùa mưa và bóng chuyền

Nhiều năm về trước vào giữa mùa mưa, tôi đã gặp Dương. Năm lớp mười xa lạ đó.

Thật kỳ, nó vẫn còn in rõ mãi trong tôi, ban sơ và chi tiết. Ngược lại, những ký ức cuối của tôi về Dương rất nhạt. Những khung hình cuối cùng của đoạn phim dang dở. Nhưng cái khởi sự của nó là cả một bí ẩn.

Ngày đầu tiên tôi quen Dương không phải là ngày khai giảng. Khoảng trí nhớ của tôi về lúc đó trống rỗng bởi sự lạ lẫm. Không phải bạn bè cũ. Không gian cũng khác. Hành lang trải ra sâu thẳm với đám người kéo đi tít tắp. Tôi chẳng quen ai trong họ. Suốt thời kỳ chuẩn bị khai giảng, tôi không hé môi với bất kỳ ai, ít nhất thì cũng không nói bất cứ gì ngoài mấy lời chào hỏi thông thường. Tôi xa cách. Mọi thứ xung quanh diễn ra mất logic. Ngỡ như vừa bước vào thế giới khác.

Khoảng sân trường có ba cây phượng già trái nâu mùa trước vẫn còn treo lủng lẳng khi những đốm hoa đỏ son mùa này đã bị trận giông đêm trước vùi dập ít nhiều. Dưới đất, hoa dập nát in trên nền ướt dầm dề tháng chín. Những cây phượng già cỗi, chết lặng giữa màu nâu của những thứ chưa muốn qua và sắc cam thắm của mùa mới chớm tàn.

Dương đã từng đứng dưới một gốc phượng. Tôi đi ngang cô trên đường vào lớp. Chỉ nhìn thoáng qua. Tóc cô không dài, vén qua một bên. Vành tai không đeo trang sức lộ ra. Cô đứng đó, đôi mắt đen nhìn thẳng về phía trước không chớp. Vạt áo dài của cô trắng phẳng lì.

Tôi thốt lên "Chao!"

Tôi thốt lên lần nữa khi cô đến ngồi cạnh tôi trong lớp. Cô xuất hiện ngay cửa, tay ôm nghiêng hờ hững chiếc cặp. Vẫn vạt áo trắng đó. Như một giấc mơ, dải trắng lay động, lướt về chỗ tôi, nhẹ nhàng vén qua một bên. Và Dương, chính cô bên trong tấm áo đó đã ở cạnh tôi lúc nào. Cái cách cô đến gần nhẹ nhàng và không tài nào cảm thấy, như thể trọng lượng đã thấm hết xuống đất theo hơi mưa, và cô chỉ còn là một làn khói mờ bảng lảng. Xa lạ. Mềm dịu. Tôi như ngừng thở.

"Chào", cô nói. Con ngươi khẽ chuyển động như đang e dè tìm kiếm cái gì đó. Nhưng nét mặt cô lại cho thấy một sự tĩnh lặng tuyệt đối. Những hôm ấy trời âm u. Ánh sáng bên ngoài trắng phau. Tự nhiên như hơi thở, những chuyển động đầu tiên của Dương nằm lại - với toàn bộ sự rõ ràng của nó mà không bị nắng làm chói hay mưa khuất lấp - trong tôi.

Tháng chín đó, Chín Ngón chuyển xuống ngay sau bàn áp chót của chúng tôi, tức là nơi xó lớp.

Lý do thì dễ hiểu. Cao đến một mét bảy ba - bảy tư gì đó, cậu ngồi những chỗ phía trên thì thể nào cũng có đứa la oai oái vì lưng cậu đã che đi nửa bảng. Chín Ngón ngồi bàn chót là việc tất yếu, không như chuyện Dương chọn chỗ ngay cạnh tôi hay việc tôi chọn bàn áp chót. Lớp ít, chỗ trống nhiều, những sự lựa chọn của chúng tôi hoàn toàn tình cờ. (Tình cờ, theo ý tôi, là việc có thể lẽ ra đã không xảy ra như vậy, nhưng vì nguyên nhân nào đó mà nó đã xảy ra)

Tiếp theo là một chuyện tình cờ khác. Dương làm rớt viết. Chín Ngón nhặt lấy. Cậu đưa nó bằng tay trái. Chỉ có bốn ngón quấn quanh thân viết. Dương nít bặt. Tôi há hốc mồm. Chỗ thay vì là hai đốt tay còn lại của ngón út thì chỉ có một nếp thịt cụt sạm đen phía trên đầu đốt tay thứ nhất. Cậu run rẩy rụt tay về. Dương bối rối. Tôi cảm nhận được, hoặc giả chỉ là do mình tưởng tượng ra, hơi thở cậu phà vào lưng áo. Ấm. Gấp!

Dương im lặng một lúc. Mỗi lần cô im lặng, tôi lại thấy bóng dáng người con gái chìm khuất dưới tán cây phượng hôm đó. Không có gì đặc biệt, chỉ là… cảm giác xa cách đến buồn.

Khi hết im lặng, Dương quay xuống, nhẹ mỉm môi, "Cám ơn". Chín Ngón gật đầu, hơi ngượng ngùng. Dương bật cười khẽ. Tôi cũng cười theo. Vậy là quen.

Cũng mùa mưa đó, Chín Ngón tham gia đội bóng chuyền của lớp.

Tôi đã không cảm thấy băn khoăn gì khi nghe ý định đó. Cậu cao và chắc. Hoàn toàn xứng hợp với tấm lưới căng trong nhà thi đấu. Vẫn có thể nắm gọn quả bóng chỉ với chín ngón tay. Chín Ngón tỏ ra háo hức. Nhưng Dương lại băn khoăn. Vẻ khẩn khoản đặc biệt hiếm hoi, cô níu lấy tay áo tôi. Chặt đến như một cái cấu.

"Đi, mà!"
"Không", tôi gạt.
"Chỉ những trận lớp mình thôi, được không?"
"Phiền lắm!"
"Nhưng mình muốn xem với cậu!", cô như suýt bật khóc. Mắt cô giãn ra, ướt trong. Tôi không hiểu nguyên do gì khiến cô như thế. Nhưng tôi thấy tội, tội đến nghẹt thở! Tôi đồng ý.

Chúng tôi hẹn nhau trước cổng trường. Ba Dương đưa cô đến. Tôi đến muộn. Dương lặng lẽ nép mình dưới mái hiên nhà bảo vệ. Tôi lại bắt gặp cô với hình ảnh của buổi sáng u ám đó. Gương mặt cô khi chờ đợi bị cái gì đó bao toả, niêm phong và giấu kín.

Phía sâu bên trong, nhà thi đấu sáng trưng đèn. Có tiếng còi và tiếng hú huýt vẳng lại, cả những âm thanh lạo xạo của vỏ chai rổng chứa đá cuội đập vào sàn. Chúng tôi đi vào bên trong, len qua đám người lên chỗ trên cùng của khán đài, ngay nơi có thể nhìn ra thấy tấm lưới là một lát cắt mỏng. Bước đi loạng choạng và dù vẫn bị vướng víu bởi tiếng ồn ào siết chặt quanh mình, tôi và Dương cũng đến được nơi. Đó là chỗ tách biệt hẳn với bọn cùng lớp. Chúng tôi ngồi xuống. Hoét! Trận đấu bắt đầu. Chúng tôi không nói một lời nào với nhau suốt cả hai séc của ngày hôm đó, và tất cả hai trận còn lại của vòng bảng (Lớp mười mà, được ba trận vòng loại đã là hay lắm). Chúng tôi bận ngắm nhìn.

Trời tối mù phía ngoài sân thi đấu, thấp thoáng những hạt nước rơi. Rồi rào rạo, mưa đêm trút xuống lặng lẽ. Chín Ngón không ra đấu séc thứ nhất. Cậu ngồi ở khu dự bị, đối diện với chúng tôi ở phía tận bên kia sân đấu. Cậu không thấy chúng tôi. Nhưng chúng tôi thấy cậu, rõ mồn một. Cậu nhìn ra sân, vẻ náo nức và u buồn. Hai thứ ấy trộn lẫn nhau khiến khuôn mặt cậu bỗng trở nên khắc khoải. Séc đầu, đội lớp thua 16-25.

Séc thứ hai, cậu ra sân. Cậu phát bóng khiến gã đỡ bước một bên kia khuỵu gối. Bóng rơi xuống đất. Dương bỗng nắm chặt tay tôi. Tiếng hò reo của bọn bạn vọng đến từ bên dưới. Chúng nó hét tên cậu, hét tên lớp, hét tên tất cả những cầu thủ dưới sân với vẻ điên rồ như thể ngôi sao ca nhạc đang biểu diễn những bài nổi tiếng trước mặt. Nhưng không có bất cứ âm thanh hoa mĩ nào được phát ra từ sân đấu. Tất cả đều thô mộc, xù xì. Cậu bật lên, chín ngón tay đẩy quả bóng rơi nhẹ nhàng xuống sát đường biên. Tỉ số rút lại còn 8-10. Thêm một cú đập nữa, cậu ghi điểm. Gương mật chợt sáng bừng. Cậu cười toe toét và hô những âm đệm trong khi đỡ bóng. Bọn con gái trong lớp phát rồ. Chúng gào khản tên cậu, đến như không còn nghe rõ nữa. Phía trên này, Dương siết lấy từng ngón tay tôi. Kẽ tay hai đứa đẫm mồ hôi lạnh tê. Tôi im thin thít. Những bước đi chuyển, cách mà cậu đệm bóng, nhả bóng, tự mình dứt điểm hoặc mớm cho đồng đội…, tất cả đều thô sơ. Chúng vụng về, nhám ráp nhưng tràn đầy sảng khoái và mạnh mẽ. Cứ như Chín Ngón đã chờ trận này trong cả cuộc đời ngắn ngủi của cậu. Thân thể cậu bị giằng xé giữa trọng lượng và tự do bay bổng. Gương mặt cậu nhễ nhại mồ hôi, đầy ắp sung sướng. Tâm hồn cậu bị trói buộc bởi xiềng xích và đang vùng thoát ra. Cậu chơi bóng cứ như đó là việc sau cùng đáng làm trên đời. Cả niềm tin, sợ hãi và phấn khích không tả được truyền qua những ngón tay vào quả bóng, biến nó thành một vật thể đầy cuốn hút. Dương không buông tay, cô siết ngày càng chặt. Tôi nghẹn. Ở dưới sân, Chín Ngón đang nhìn tấm lưới. Cái nhìn đầy khát khao. Như muốn xé nát nó ra bằng đôi tay kì lạ của cậu.

Khi đội bóng thua sát nút 24-26, Dương bật khóc. Cô ngả đầu lên vai tôi, nức nở hồi lâu. Tôi nhìn sang cô, thấy cạnh mình là một cô gái nhỏ bé và dễ vỡ. Tôi thấy buồn. Buồn đến phát đau. Dưới sân, Chín Ngón cũng buồn. Nhưng cậu không khóc. Cậu chỉ lặng ngắm đôi bàn tay mình. Dương không còn khóc thành tiếng nữa, cô rớt nước mắt rồi lặng lẽ lau đi. Nhưng có một ít đã thấm vào da thịt tôi. Ngoài kia trời mưa to, tiếng chẳng bao giờ dứt.

Những trận sau đó, cô mang theo một quyển sổ và viết chì. Cô theo dõi đủ tất cả các trận đấu trong ba mùa bóng và không còn khóc nữa. Thay vào đó là một vẻ chăm chú, gần như là mê đắm hiện lên trong đôi ngươi u uẩn. Dương xoáy vào trận đấu, vào Chín Ngón với những đợt run rẩy truyền sang cả tôi. Tất cả những ào ã của sân đấu không thể nào bằng một cái siết tay đau nhói của Dương. Sau đó, cô lia những đường nét lên mặt giấy. Bản phác rất nhanh, không thành hình thành dáng. Tôi chẳng rõ Dương vẽ cái gì. Nhưng tôi trông thấy, ẩn hiện trong cô, là hình dáng một sinh linh đơn độc.




3 - Những cái bóng

Một cơn choáng váng ào ngập qua.

Tôi dừng lại, ôm lấy ngực. Tim đập thình thịch. Một đợt mưa nữa lại rơi, lấm tấm trên mặt đường lởm chởm đá. Mũi thở ra những hơi ướt mèm. Sau cổ nhói lên dữ dội. Tôi nhắm mắt.

"Có chuyện gì à?", tiếng Chín Ngón đã kề bên. Tôi lắc đầu, thở mạnh. Được rồi, không sao cả. Những việc như vậy cứ lâu lâu một lần tình cờ ghé thăm.

"Tôi đưa cậu về!"
"Không!". Tôi gạt. Đã lâu chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Thời tiết dễ chịu, cảm giác vừa quen thuộc vừa xa cách của khung cảnh khiến tôi ngập ngừng, vẫn còn muốn đi thêm một lúc nữa. Lớp đá xanh lát đường loang lổ vệt nước, đám sao mục rữa và mấy cọng rơm rơi ra từ chiếc xe bò chiều qua.

Bất ngờ, Chín Ngón dừng lại.

Tôi vẫn cố thêm một đoạn nữa. Dưới mặt đất, nát vụn dưới những bước chân là đám trái sao cánh nâu rách bươm, ướt sũng. Khi theo dấu một cánh sao vẫn may mắn nguyên vẹn phía bên trái mình, tôi mới biết phía ấy trống. Chân cậu ấy không đặt ở đó, cách chân tôi một khoảng. Tôi ngoái lại, cậu đang nhìn giữa những kẽ chân.

"Cậu vẫn vậy hở? Một mét năm bảy, phải không?"

Hoá ra là chuyện chiều cao của tôi. Có lẽ vậy, tôi không lớn thêm chút nào nữa. Năm lớp mười, tôi ít hơn bây giờ hai phân. Khoảng cách ấy thu ngắn chậm chạp trong ba năm. Mọi sự kết thúc vào năm mười hai. Đúng vậy, tôi đã không cao thêm chút nào nữa. Có những thứ một khi đã chững lại rồi thì sẽ không còn tiến triển lại được. Một cái khoá đã đóng nó lại vĩnh viễn. Nhưng cậu thì khác.

"Ừ. Cậu đã cao hơn nhiều à? Coi, cậu bây giờ là một mét tám…"
"Tám mốt lẻ hai", cậu thú nhận.
"Ôi dà!", tôi thốt lên, không mấy ngạc nhiên. Bọn con trai mà. Chúng thường cao lên một cách đáng ngại và liên tục suốt thời kỳ dậy thì. Mà Chín Ngón thì có lẽ chỉ vừa kết thúc giai đoạn dậy thì vài tháng trước. Cậu ta cao nhé, mặc áo phông đen kèm quần bò. Gương mặt đã tỏ ra đàn ông góc cạnh lắm, nhưng vài cử động nhỏ của tuổi mười lăm, mười sáu vẫn ở đó, như cái nhún vai và quay mặt đi vừa rồi chẳng hạn. Có cái gì vừa mới mẻ vừa xưa cũ ở cậu làm tôi thấy băn khoăn.

Tôi muốn quay lưng và đi tiếp. Nhưng vẫn cứ nhìn cậu. Rồi rốt cuộc ánh mắt chạm đến bàn tay thiếu ngón út.

"Chơi pháo hồi lên sáu, phải không?", tôi bật cười. Thế là vẻ chững chạc của Chín Ngón biến mất, thay vào đó là bộ mặt ưa ngượng ngập hay thấy trong quá khứ. Cậu gãi tai, mắt chao đảo.

"Còn nhớ à?"

"Ai da, có nhiều chuyện có muốn quên cũng không được. Con nít dại mà", tôi cười khúc khích.

"Chuyện bao đồng", cậu gắt. Vẻ trẻ con đã rõ mồn một trên hai gò má nhô ra.

Cảm thấy nhẹ nhõm, tôi tiếp tục bước đi, biết phía sau Chín Ngón đang dõi theo. Nhưng một mối lo khác lại nảy ra trong tâm trí : Mình vẫn như hồi đó à? Không thay đổi chút nào sao? Cái gì đã khoá mình lại?

Liệu… có phải là những cái bóng của Dương?

-

Chúng tôi bắt đầu thân nhau từ mùa mưa năm đó. Sự liên kết nảy ra một cách mơ hồ. Thế rồi cũng không biết cái xó lớp ấy đã là của chúng tôi khi nào. Chín Ngón luôn ở sau lưng khi tôi hay Dương cần đến. Và cậu cũng luôn trông chúng tôi từ phía sau, như để đảm bảo rằng hai đứa vẫn tồn tại. Chín Ngón rất tử tế, cậu không nề hà bất cứ việc gì chúng tôi nhờ. Dương vẫn hay ngắm cậu, còn tôi thi thoảng trêu :"Ông bà ghê gớm, héng?"

Khoảng thời gian cấp ba của tôi khá yên bình. Bên cạnh tôi là hai người bạn. Một kẻ thì ưa ngượng nập không đâu, một đứa thì hay u sầu vì những lý do vô định. Tất cả đều diễn ra dịu dàng và mang chút hơi hướm băn khoăn của những đợt mưa đầu mùa. Đó là những lần Chín Ngón để cho chúng tôi xem xét kỹ bàn tay thiếu ngón út của cậu, ôm ấp nó, cố mường tượng ra cậu đã làm thế nào để đối diện với sự khiếm khuyết của mình. Dương hay ấp bàn tay mình lên tay cậu và so sánh. Cô nhìn ngón út nhỏ nhắn của mình lấp ló chỗ ngón út bị khuyết của cậu thật lâu. Tôi có cảm giác quãng thời gian đó đủ để tất cả mọi mỏm băng ở tất cả mọi đỉnh núi tan ra. Dương nhìn vào mắt cậu đầy trìu mến. Chín Ngón quay đi, rụt tay lại. Tôi cười ha hả. Cậu thành nạn nhân, chẳng biết làm gì hơn là vùi đầu giữa hai lòng bàn tay, thở rõ dài.

Sau đó, tôi phát hiện Dương hay vẽ. Cô đặc biệt chăm chú tới màu đen xám của chì, của những cái bóng được phác hình và nhấn nhá lên mặt giấy. Có lần lớp vắng tiết, cô cặm cụi lia những nét chì lên một tờ giấy tập. Cuối giờ, những cái bóng về một cái cây và một con người đứng dưới gốc thành hình. Hôm sau, lại bức vẽ ấy, bây giờ nó đã trở thành một dạng chụp phim ngược sáng : cái cây cành lá thưa thớt đen thẫm, đám hoa và lá rụng trải những vệt xiên xẹo trên nền đổ bóng, còn con người kia thì đang cúi đầu mò mẫm cái bóng của mình, có vẻ không hay biết rằng bản thân mình cũng chỉ còn là cái bóng đen mà thôi.

Dương đã từng tặng tôi, nhân sinh nhật, một bức tranh ngôi nhà nằm ven hồ dưới tán lá rừng. Có một bụi hoa dại nằm cạnh bên và một cái ống khói có khói mờ bảng lảng. Xám, đen, trắng ở các mức độ khác nhau làm nên sự sắc nét kỳ diệu của bức vẽ. Trong tranh không có con người, nhưng có khói nhà bếp. Tôi đã ngu ngốc cho đó là một bức vẽ hạnh phúc, và không đoán được gì nguy hiểm từ nó. Những bức vẽ sau của cô đều là những cái bóng. Dù cho có con người tụ tập thì cũng chỉ là những cái bóng in những báo hiệu không lành. Bóng trăng, những ngọn đồi chao đảo, bóng con diều đứt dây, ngọn hải đăng đơn độc, chậu hoa bên thềm nhà, hoa héo và cỏ dợp sóng tàn… Có cả bóng của tôi và của Chín Ngón, nếu như tôi nhớ không lầm. Và cả bóng một cơn mưa.

Tôi gợi lại chuyện ấy với Chín Ngón, cậu hỏi :

"Tôi không hiểu. Tại sao Dương luôn vẽ những cái bóng?"
"Ai mà biết được", tôi nhún vai.
"Liệu…", Chín Ngón bật ra, rồi im. Tôi tránh không nhìn sang cậu. Được một lúc, cậu ngập ngừng : "… Việc đó có liên quan gì đến chuyện Dương chết không?"
"Gì?", tôi giật mình. "Chuyện những cái bóng hở?"
"Nhớ gì không? Những cái bóng của Dương, y như cái gì đó rất buồn. Buồn lắm. Buồn không thể nào tưởng tượng được."
"Vậy à?"
"Không biết", cậu đâm ra hỗn loạn, "Tôi chỉ thấy ám ảnh. Tại sao?"

Tại sao à? Tôi không trả lời được. Tôi luôn thích những gì Dương vẽ. Chúng thật đẹp, thật sắc nét và có cái gì đó sâu thẳm. Tôi hơi băn khoăn bởi những bức bóng, nhưng chưa một lần sợ hãi chúng. Bây giờ Chín Ngón vặn lại, tôi mới thấy hoang mang.

"Không biết", tôi nói thành thật, "Mình thực sự không biết."

Chúng tôi đã lên đầu dốc, rồi bắt đầu hành trình quay ngược trở về. Tôi thấy cái khoá trong mình hiển hiện mồn một.



4 - Và những cái bóng rối

Có quá nhiều bí ẩn về Dương. Những cái bóng bằng chì là ví dụ tiêu biểu. Nhưng còn hàng loạt những sự kiện nữa. Trong hàng đống thứ như vậy, chuyện gì đã khiến Dương chết vào tháng năm cuối lớp mười hai? Cái gì đã làm cô nảy ra ý định tự sát?

Vào khoảng giữa năm lớp mười và kéo dài mãi đến giữa năm mười hai - nếu không tính những kỳ nghỉ - tôi, Dương và Chín Ngón hay có những chuyến đi loanh quanh vào buổi chiều. Không có nơi chốn định sẵn, chúng tôi hẹn gặp ngay tại trường rồi cứ nhắm đến bất cứ nơi nào có thể. Dương được ba đưa đến chỗ hẹn, sau đó tôi sẽ đèo cô đạp cạnh Chín Ngón đi lòng vòng cái thị xã nhỏ bé. Những chuyến đi vui vẻ và dễ chịu. Chúng tôi dạo qua các phố phường, các ngõ ngách, những cánh đồng ven rìa. Tuy nhiên, chúng thường kết thúc dở dang. Khi câu chuyện còn đang tiếp diễn, Dương bảo đã đến lúc cô phải về. Vậy là tôi, hoặc Chín Ngón phải đưa cô về cổng trường chờ ba Dương đón. Đứa còn lại phải về nhà một mình.

Nhiều lần, tôi bảo Dương là cứ để chúng tôi chở cô về hẳn nhà. Nhưng cô từ chối, nằng nặc từ chối. Trong mắt cô hiện lên những dao động lạ lùng, bối rối khôn tả. Mặc dù Dương biết đi xe đạp từ hồi cấp hai, nhưng cô chưa một lần nào tự mình đạp xe đi. Ba cô luôn đưa đón, bất kể là đi học hay đi chơi. Dương không sở hữu một chiếc xe đạp nào cho riêng mình. Cô bị phụ thuộc, theo một nghĩa nào đó. Dương cũng không bao giờ dự lễ khai giảng. Sau lễ bế khoá, cô bặt tăm và chỉ xuất hiện sau ngày khai giảng. Dương không bao giờ có mặt hôm tựu trường. Cô nói, với vẻ hờ hững xa lạ rằng mình mệt do chuyến đi xa từ nhà nội ở thành phố về. Tôi biết thừa rằng cô lấp liếm : chẳng có ai lại mệt đến nỗi nằm lả ở nhà sau chỉ một trăm cây số đi xe khách. Nhưng ngay sau đó vẻ cách biệt của cô bị rũ bỏ, Dương lại đến gần tôi như lúc đầu.

Mẹ cô mất sớm. Lúc ấy Dương còn rất nhỏ. Cô sống tại một ngôi nhà rộng lớn tại một trong những khu yên tĩnh nhất Thị Xã. Chúng tôi đến chơi nhà cô độ vài lần. Dương không muốn chúng tôi đến đó quá nhiều. Và tôi cũng không thích nhà của Dương. Nó rộng lớn nhưng u ám phía sau những bóng cây lạ vặn xẹo thân sau hàng rào. Phòng khách nhà Dương lớn, ít khi mở rèm cửa sổ. Ba Dương thường ngồi ở đó. Dáng thu người lại, phủ một lớp tăm tối lên gương mặt hà khắc. Mắt ông sắc bén như dao. Mặc dù ông không nhìn trực diện, nhưng tôi biết ông đang theo dõi chúng tôi. Như một con báo rình mồi từ bụi rậm. Chín Ngón thì phải chịu cái nhìn còn ác cảm hơn thế. Gần như là cứa sít khắp người, không buông rơi dù chỉ một phân. Ông nhìn cậu hằn học, đỏ gân máu. Ngón tay út bị khuyết của cậu đã gây ấn tượng rất xấu cho ông. Ông chưa một lần cấm chúng tôi đến chơi với Dương, nhưng ánh mắt ông còn nói ra những từ ngữ xua đuổi nặng nề hơn bất kỳ lời chửi rủa nào. Còn mọi cử động khác của ông đều lầm lũi. Thinh lặng như bóng một cái cây nghiêng nghiêng xào xạc âm thầm. Căn nhà ấy không hề có tiếng cười, ít nhất trong những lần tôi ghé thăm.

Có dạo, tôi hỏi Dương rằng cô thích nơi nào nhất trong nhà mình. Cô trả lời bình thản : góc đặt tủ lạnh. Tôi biết cái góc đó. Nó nằm ở một nơi khuất. Có đôi khi tôi cảm tưởng nó quấn chặt một thứ bóng tối ngập ngụa, thòm lòm. Đó là nơi tôi tìm được quyển sổ bìa đen của Dương trong đám tang. Nó nằm bên dưới tủ lạnh, chìm hẳn vào bóng tối. Tôi sợ! Dương có khi nào đã ngồi ở cái nơi lạnh lẽo ấy, dõi theo những cái bóng và nghĩ về sự chết?

Rốt cuộc, Dương đang suy nghĩ điều gì khi cô quyết định rằng mọi chuyện sẽ kết thúc?

~

Ký ức cuối cùng mà tôi nhớ về Dương khi cô còn sống là cuộc nói chuyện bất thường của chúng tôi qua điện thoại.

Là vào tháng tư. Trời vẫn nóng đổ lửa, nhưng đã có những cơn mưa chuyển mùa vào cuối ngày. Hôm Dương gọi trời oi nồng. Tôi đọc một quyển sách, không nhớ rõ là sách gì, và đọc dở dang lấm lướt. Rồi có tiếng chuông điện thoại đổ. Âm thanh khô khốc, bí mật. Tôi bật dậy, nhấc máy.

Giọng Dương vang lên từ bên trong, chậm rãi, từ tốn và không có chút cảm xúc nào.

"Mình không nộp hồ sơ thi Đại học đâu."
"Sao vậy?"
"Không nộp là không nộp, vậy thôi". Giọng cô bất giác khiến tôi liên tưởng đến một quả táo chín nẫu, rơi theo phương thẳng đứng từ trên cành xuống đất. Không gì có thể níu giữ. Cũng chẳng có ông Newton nào đợi táo dưới cái gốc cây trong tưởng tượng kia. Cái táo rơi xuống, từ phần thịt chín mềm một con sâu chui ra. Bên trong quả đã thối rữa. Đó là điều mặc nhiên. Giọng Dương vào chiều đó là một sự an bài.

"Cậu có thật sư hiểu mình không?", cô hỏi.
Tôi không biết trả lời thế nào. Hiểu Dương không à? Về mặt nào đó có thể cho là hiểu. Tôi là bạn thân của cô ba năm qua. Tôi biết nhiều về cô. Tôi ngắm cô kỹ lưỡng và quan tâm đến cô với cả sự chân thành của mình. Nhưng… tôi có thể nào hiểu hết được cô hay không?

Dương chờ câu trả lời. Nhưng không có. Cô đành nói tiếp :
"Mình có vẽ cậu!"
"Vẽ?"
"Phải, vẽ chì. Đó là chuyện tốt nhất mình có thể làm được trong cả cuộc đời thất bại của mình."
"Đừng nói thế mà!", tôi hốt hoảng.
"Mình vẽ cả cậu ấy nữa. Lúc cậy ấy đánh bóng chuyền. Thật đẹp và tự do biết bao.", Dương mặc kệ tôi. Cô vẽ cả Chín Ngón. Giọng cô rạn vỡ.
"Mình có thể xem được không?"

Dương im lặng. Tôi đổi tay nghe máy ba lần nhưng không nghe thấy hơi thở từ bên trong. Có chuyện gì với hơi thở của cô? Khi tôi định hỏi to thì cô thốt lên :

"Cậu sẽ làm gì khi có một con dao trong tay?"

Rồi cúp máy. Tôi bàng hoàng!

-

Tôi kể lại với Chín Ngón. Cậu nghe rồi lắc đầu :

"Mấy hôm đó Dương không hề cắt tay"
Tôi im.
"Tay cô ấy lúc nào cũng lành lặn. Cổ tay trắng nhợt và không có bất kỳ vết sẹo nào. Thậm chí tôi nghĩ cả người cô ấy không có một vết sẹo nào."
"Có lẽ nhà Dương không hạnh phúc", tôi ngập ngừng.
"Cậu nói gì vậy?" Chín Ngón đột ngột lớn tiếng. Tôi ngạc nhiên quay sang, thấy cậu tràn đầy tức giận.

"Cậu có xứng làm bạn Dương không? Cậu không thấy nhà cô ấy đầy ngập vấn đề sao? Cô ấy lúc nào cũng được đưa rước, lúc nào cũng được chăm bẵm. Cô ấy không hề đeo trang sức và thậm chí lỗ tai còn không bấm vì sợ bị đau. Sắc da lúc nào cũng trắng nhợt như đám mây mù trên trời. Dương không bao giờ dự lễ khai giảng và luôn thích những cái bóng. Đầy ắp những cục rối mù. Cô ấy chứa trong lòng nhiều chuyện, chúng cứ cuộn lại hết vào nhau như đám tóc rối bết trong khay chặn của lỗ xả nước nhà tắm. Dương bối rối đến thế nào cậu biết không?"

Tôi chết lặng, trân trân nhìn Chín Ngón.

"Hai đứa mình cóc làm được cái quái gì cho cô ấy hết!". Cậu nói, thều thào. Rồi bước đi.

"Làm sao cậu biết những việc này, hở?", tôi gấp gáp hỏi, "Vì sao cậu lại quí Dương hơn cả tôi?". Cảm giác nóng hổi trên má. Là nước mắt. Chúng đã tràn ra. Tôi đang khóc. Tôi biết mình đang nức nở khóc.

Chín Ngón nhìn khắc khoải. "Tôi cụt một ngón tay và xấu hổ vì điều đó. Dương khiếm khuyết cả thế giới và u uất vì nó. Cô ấy chỉ có những cái bóng. Tụi mình lẽ ra phải hiểu nhau hơn hồi xưa đã từng. Lẽ ra những cái bóng phải báo hiệu cho tụi mình về những gì Dương phải chịu đựng. Nhưng hết rồi. Tôi không biết gì cả. Không gì hết…"

Tôi trân người. Cả hai đứa đều thật sự vô dụng đến ngỡ ngàng. Điều ấy đột ngột làm tôi đau!




5 - Tháng năm

Dương mất vào tháng năm. Mùa mưa chớm bắt đầu. Những cơn mưa cứ ào đến rồi vụt đi. Hơi lạnh toát giăng trùm mọi vật.

Cô vắng mặt suốt ba ngày liền. Tôi đã định đến gặp cô. Nhưng không còn cơ hội nào nữa. Buổi sớm ấy, tôi được tin Dương chết. Việc cô tự sát chỉ có tôi và Chín Ngón biết lúc vào gặp Dương lần cuối trước khi người ta liệm cô và cho vào quan tài. Cô đã là một xác chết. Nhưng vẻ mềm mại đến nhói lòng của cô vẫn còn nguyên vẹn. Trông cô xa lạ hơn bao giờ. Trên cổ tay, bàn tay vẫn hay áp vào bàn tay thiếu ngón út của cậu, có những vết dao tím bầm, trương thối. Đôi mắt đen của cô sẽ không bao giờ mở to nhìn tôi nữa. Cô sẽ không khóc nữa. Không bao giờ!

Dương đã cắt tay bằng một con dao.

Tôi đã không phát hiện ra bất cứ dấu hiệu bất thường nào. Có lẽ đó là nguyên do khiến cho cảm giác của tôi bị khoét rỗng đi một phần lớn. Tôi không nhớ được mình đã ra sao khi nghe tin cô chết. Tôi không còn biết đến những cảm giác dù là nhỏ nhặt nhất. Nhưng tôi ý thức được chúng. Cái đau nhói nhơi cổ. Cái rát buốt ở gò má. Từng đợt nhức đầu liên miên. Đau dạ dày. Đau khi đứt tay. Và hai vành tai cũng đau sau khi đeo headphone mấy tiếng liền. Những cái đau vốn chẳng được tôi bận tâm, lúc đó bỗng hiện ra rõ mồn một ở phần nhận biết. Ừ, mình đang đau. Tôi không trực tiếp cảm nhận được. Nhưng chúng vẫn ở lại. Đầu óc tôi đã bị những con sâu chui vào đục khoét. Phần còn dư lại là những dấu vết mờ nhạt lâu lâu nhói lên rồi trơ ra.

Khi năm học sắp kết thúc, Chín Ngón xin dời lên ngồi chỗ của Dương. Bọn cùng lớp nhìn chúng tôi ái ngại. Trong mắt họ, ba đứa tôi rất thân, đến mức tưởng như chẳng thể nào đi mà không có nhau. Nhưng quả thật chỉ còn lại hai đứa mà thôi. Chín Ngón dời lên, cậu lại lặng lẽ ngắm hai bàn tay của mình. Cậu xem xét ngón tay bị khuyết và nhìn xuống mặt bàn hồi lâu. Tôi quay sang, thấy mắt cậu chỉ còn vương lại nỗi buồn. Là nỗi buồn tĩnh lặng như một cái giếng sâu đen thẳm. Tôi thấy mình rơi mãi trong cái giếng ấy, rơi hoài mà không bao giờ chạm đến đáy. Cậu buồn, nhưng tôi không đau đớn. Tôi thấy mình chỉ còn là một cái bóng rỗng.

-

Chúng tôi đã đi đến cuối con dốc. Nhà cậu ở phía sau khúc quanh.

"Biết gì không? Mình ngưỡng mộ cậu", tôi thành thật nói.
"Về cái gì?", cậu ngạc nhiên.
"Về bóng chuyền, chuyện cậu yêu quí Dương. Về chiều cao của cậu", tôi nhún vai. 
"Vậy à?"
"Dương yêu quý cậu lắm", tôi nói và kể về những mùa bóng chuyền. Chín Ngón nghe một cách chân thành và xúc động.
"Cô ấy yêu quý cả hai đứa.", cậu kết luận.

Tôi cảm thấy tiếc nuối. Liệu có quá muộn không cho một cuộc nói chuyện thẳng thắn giữa hai kẻ ở lại như vầy?

"Dương nói có vẽ tôi với cậu hở?", Chín Ngón hỏi.
"Ờ."
"Có phải lại là những cái bóng không?"
"Không biết."
"Có khi nào trong quyển sổ của Dương không?"
"Sổ à?", tôi e dè hỏi lại.
"Phải, là quyển sổ Dương để lại đó!", cậu khẩn khoản. Đó là một quyển sổ rất to, khá dày, bìa đen với những hàng chữ bề ngoài đã nhạt và góc mép đã hơi úa.

Tôi có nên mở quyển sổ ấy ra không? Nó được đặt trong hộp thiếc, cất vào đáy tủ trong phòng và khoá cửa lại trong suốt thời gian tôi xa nhà. Tôi đã chẳng hề muốn động đến nó. Vì sợ. Cái gì trong đó? Liệu Dương có ghi trong đó những dòng tuyệt mệnh, những dòng có khả năng làm xé lòng hơn bất cứ nhát dao nào? Hay đau đớn hơn nữa, cô có để lại những cái bóng của chính mình và của những kỷ niệm thời còn ở bên nhau của ba đứa?

Tôi ngước nhìn bầu trời u ám, một hạt mưa rơi ngay đỉnh mũi. Lạnh buốt. Tôi dừng lại thật lâu để cảm nhận cơn đau với nỗi ngẩn ngơ như thể mọi cơn mưa đều đang rơi xuống quanh mình. Rồi thở hắt ra.

Khi về đến nhà cậu, chúng tôi chia tay nhau.

-

Đó là tất cả của buổi sáng hôm qua. Cứ như thêm một lần nữa, ba năm trung học lại trôi qua trong tôi.

Hôm nay tôi thức dậy. Trời không mưa nhưng mây mù. Có tiếng một con chó hàng xóm sủa. Gió và tiếng con ve kẹt giữa đám màn khiến tôi sực tỉnh. Tôi nằm đó, thấy được tay chân mình đã bắt hình bắt dạng hơn. Tôi đang cảm nhận lại được sức nặng và sự tồn tại của mình. Tôi nghĩ về lời của Chín Ngón, về chiều cao của cậu. Cậu khác nhiều quá. Trưởng thành thấy rõ. Cậu đã sống an nhiên dù Dương không còn nữa. Nhưng tôi thì không. Tôi vẫn chỉ là tôi của năm cuối cấp. Trong tôi có một cái khoá. Khi Dương chết, cái khoá ấy đột ngột đóng lại, ngắt lấy sự tiến triển sinh học của tôi, khiến mình chỉ còn là cái bóng của một vệt mờ chìm lấp trong trận lũ hồi ức. Tôi có thực hiểu Dương không? Chín Ngón có không? Chúng tôi đã làm được gì cho Dương? Chúng tôi đã không cứu sống được cô. Chúng tôi có thực là bạn cô không? Và, tôi có nên mở quyển sổ ấy của Dương ra không?

Nhưng không kịp nữa. Dương đã chết mất rồi. Tôi thiếp đi. Trong giấc ngủ ngắn, nỗi đau nguyên vẹn tinh khôi đã trở về với tôi.


 

Hết
5h26 PM, 15th May, 2007