Những hình tương đối | Xuân phân - Hồng thắm

Xuân phân

Trước xuân phân một ngày, trời tờ mờ rạng và mặt trời lúc bình minh gần như đã rất gần với hướng chính đông. Quất Tây trở mình dậy, thấy ngoài song cửa đã chuyển ráng hồng. Cả đêm ngủ trên nền gạch làm cô đau hết cả mình mẩy. Cô quyết định rằng hôm nay mình không nên đi làm.

Nhìn những tấm rèm đang giặt phơi dang dở, cô bỗng thấy hôm nay nơi cần cô nhất chính là đây chứ không là đâu khác. Những rạn vỡ, buồn đau hay tiếc nuối đều không phải ngày một ngày hai mà có, nên cũng không cần vội vá lại trong một sớm một chiều. Mấy hôm nay cô đã thấm mệt vì bắt đầu một dự án mới, nên đúng là cần lấy lại sức. Cô chậm rãi đứng dậy, cố duỗi người cho bớt mỏi, rồi bước lên lầu để chợp mắt thêm một lúc. “Rồi sau hẵng hay, cứ đi tới thì sẽ thành đường”, cô nghĩ.

Mâm Xôi dậy muộn hơn một chút, khi nắng đọng lại trên những nếp gấp của những tấm rèm đã treo lên hôm qua. Hôm nay là ngày cuối cùng làm thuê của cậu ở ngôi nhà này. Ngày mai khi ra khỏi cửa, bước ra khỏi thềm tam cấp, cậu có thể sẽ rơi vào tình trạng lơ-ngơ-toàn-phần ngay lập tức, với thần trí treo lên mây rồi úp ngược xuống, chảy ra thành muôn hình vụn vỡ.

Nhưng bỗng nhiên cậu không còn nản chí.

Có lẽ do hôm qua cô đã nói, điều quan trọng là cậu đã lựa chọn bước qua hết những mảnh vỡ đó để tìm đến nơi cậu cảm thấy an toàn. Có lẽ cậu không nhỏ nhoi như cậu đã luôn tin. Có thể chỉ cần tiếp tục thôi, rồi mọi chuyện sẽ liền lạc với nhau và một ngày nào đó, cậu sẽ thấy con đường mình đang đi là giữa những đường phố vẹn nguyên, như chưa hề có tan vỡ nào xung quanh chúng.

Khoảng mười giờ hơn, lúc Mâm Xôi vừa vặn giặt đếm tấm rèm thứ mười sáu, Quất Tây bước xuống, thoạt nhìn đã khoẻ hơn một chút so với đêm qua. Cô bốc điện thoại gọi thêm thức ăn trưa và chiều, một ít trái cây và trà ủ lạnh. Rồi xắn tay áo lên phụ việc với cậu làm thuê. Đến gần đứng nắng, chỉ còn tấm rèm trong phòng ngủ của Quất Tây là chưa giặt. Cậu dựng thang cho cô trèo lên tự tay tháo xuống, đem ngâm vào chậu nước giặt trước khi đồ ăn trưa mang đến. Cô gọi cá hấp hành và canh gà tiềm, ăn vừa vặn và không quá nặng bụng. Cậu ăn sạch sẽ đến miếng cá cuối cùng, thoả mãn nghĩ đây hẳn là công việc có đãi ngộ tốt nhất cậu từng có.

Giặt xong tấm rèm cuối cùng, họ đem chiếc ghế lười trên lầu xuống rồi ngồi dựa lưng vào ghế ngược chiều nhau, cùng đếm chiều nay còn những việc nào nữa cần làm xong trước khi đêm đến.

“Ông bác kia thì thế nào?” Mâm Xôi sực nhớ ra, bèn hỏi.

“Ông bác ở phòng thí nghiệm à?”

“Ừ?”

À, Quất Tây lim dim mắt, “Có lẽ tôi sẽ giữ luôn quyển sổ. Nếu bác ấy không có gì quá lớn lao để nhìn vào, có lẽ bác sẽ chịu nhìn những thứ nhỏ nhặt bình thường hơn chăng? Như một buổi về nhà ăn cơm với con gái?”

“Đơn giản thế thôi à?” Mâm Xôi ra vẻ không tin, làm sao sự hỏng hóc của một người có thể được chữa lành dễ dàng như vậy? Cậu đã nghĩ cô sẽ thi triển một số chiêu thức gì đấy chỉ có trong phim kỳ ảo, kiểu như thấu thị hay dùng tâm linh đi vào trí óc của ông ấy rồi đánh nhau với một con quái vật đang ăn mòn những dây thần kinh thị giác của ông.

“Có lẽ. Cũng có thể là không. Nghề này không có công thức hay cấu trúc. Tất cả những gì chúng tôi làm được đều dựa trên đoán định. Chúng tôi không phải siêu nhân, cũng không có phép thuật, mà chỉ là những người biết bật công tắc nào giữa một vạn chiếc công tắc để đèn sáng lên.”

“Lỡ cô bật sai thì thế nào nhỉ?”

“Tôi ít khi sai. Mà để làm được thì cũng mệt lắm. Hao hết cả người đi. Thường sau đó tôi phải dành ít ngày để khoẻ lại, rồi cũng phải tự làm mình vui lên một chút. Thì cậu nghĩ đi, chứng kiến những đau buồn đổ vỡ của người khác đâu phải là chuyện gì dễ chịu đâu.”

“Nhắc đến thì, vừa rồi tôi có mua được cái này.” Cô ngồi dậy, bước đến chiếc túi xách của mình rồi rút chiếc nến táo ra. “Đẹp ha. Giặt giũ xong hết thì tối nay đốt lên xông nhà cũng vừa vặn.”

Mâm Xôi mượn chiếc nến, xoay tròn trong tay và trầm trồ trước độ tinh xảo của từng chi tiết. Nến lại thơm không khác gì một quả táo chín thật sự, nghe kỹ trong đó dường như có chút mùi vỏ quế ở cuối cùng làm hương thơm thật ấm áp và tròn trịa. Nghĩ đến chuyện mùi táo quế ướp vào nếp vải mới giặt, hoà vào mùi nắng còn đọng lại sau những ngày trời trong, cậu đột nhiên có cảm giác nửa mong chờ nửa chần chừ khi ngày mai sắp đến. Rồi tự cậu lại thấy mình sao mà quá đỗi buồn cười.

“Tại sao?” Cậu hỏi bâng quơ.

Vì sao là xuân phân?

“… Có lẽ để tôi còn nhớ được lúc này là lúc nào trong cả năm dài.”

-

Chiều tối, khi mọi việc xong hết, Quất Tây trở về phòng ngủ và lật giở trong những chồng quần áo tìm ra một chiếc hộp bọc vải đay. Cô mang chúng xuống dưới nhà và đặt kế bên hộp thức ăn mà cô bé nhân viên ở cửa hàng Bán Lẻ Mọi Thứ vừa giao tới. Cô bé đặt giúp từ một nhà hàng trong thành phố một loại pasta nhìn như những chiếc bánh xếp, lớp bột nhồi khéo léo với lòng đỏ trứng mượt mà bọc nhân cải bó xôi và nấm rừng, một phần gà bỏ lò nướng với rượu trắng, cà chua chín và hương thảo, một phần măng tây được áp chảo ruộm vàng, cùng với hai chai nước dâu rừng lên men sóng sánh.

Mâm Xôi nhìn cô bày biện những món ăn cậu chưa nghĩ mình sẽ có một lần được thấy trong đời: “Có phải cô đã trừ hết thù lao của tôi rồi không?”

Quất Tây dừng tay một chút, nhìn cậu rồi phì cười: “Mừng cậu làm xong việc.”

“… Và mừng mùa mới sang.”

Bên cạnh bữa tối, cô mở nốt chiếc hộp bọc vải đay và bên trong là một lớp những bó cành lá khô và thảo dược. Mãi đến chiều nay cô mới nhớ ra mình vẫn còn một hộp đồ chưa bao giờ động đến. Bên trong là những thanh gỗ thơm, vài bó tầm ma và lá bồ công anh phơi khô, một ít vỏ quế, vỏ cam khô, cùng vài loại thảo mộc khác mà cậu không biết, cô cũng không đề cập.

Cô đặt chiếc nến táo xuống, xếp các loại thảo dược như một lớp trải xung quanh. Như một nghi thức, cô ngồi quì thẳng tắp bên cạnh. Bằng một tư thế thanh nhã, cô quẹt diêm châm nến cháy. Hương táo và hương thảo một dần lan đi trong không khí. Tim nến cháy đượm sắc hồng của rượu vang, dìu dịu mà dễ làm say. Mâm Xôi yên lặng nhìn cô đi hết nghi thức đón chào một mùa mới đến, rồi nhẹ nhàng mở nắp hai chai nước dâu. Họ không ăn vội mà uống cùng nhau trong khi mùi thơm đã lan toả khắp nhà.

Gần hết nửa chai, cô nhẹ hỏi: “Cậu cầm tay tôi được không?”

Không đợi cậu trả lời, cô vươn tay qua bắt lấy bàn tay cậu, nhẹ nhàng giữ lấy như một lời trấn an cho chính bản thân mình. Sau một lúc lâu, họ cùng ăn tối khi màn đêm đã buông bên ngoài những khung cửa sổ.

“Này, hay cậu kể chuyện gì vui vẻ đi.” Quất Tây đề nghị: “Chuyện gì cũng được, tôi muốn nghe.”

Mâm Xôi hơi nghĩ ngợi một lúc rồi mỉm cười. Cậu bắt đầu kể về sở thú nơi có khu chuồng chuột lang mà muốn đến phải đi qua đầm nước, chỗ hàng rào cao bảy tấc rưỡi quanh những gốc bàng, vị trí cậu đọc sách trong nắng ấm và trên đầu là khoảng trời biếc thẳm. Cậu kể về những chuyện vụn vặt mỗi ngày ở sở thú với một niềm vui sâu kín mà có lẽ chính cậu cũng không phát hiện ra. Quất Tây chăm chú lắng nghe trong ánh sáng ấm dịu của nến và hơi men của nước trái cây ủ đã dần lan lên khuôn mặt. Rồi đến một lúc, cậu nhún vai: “Rồi thì lũ chuột chết cả.”

“Tôi bị đuổi việc. Rồi xin việc mới hết vài tuần, mỗi ngày đều đi ra đi vào trạm điện thoại cũ, ngồi ở chiếc ghế xúp vẽ phố xá, đến khi có cuộc gọi đến giặt rèm cho cô.”

 

Hồng thắm

“Chuột chết à?”

“Ừ. Tự dưng chúng chết cả.”

“Không phải do cậu lỡ tay làm gì đó chứ?”

“Dĩ nhiên không, cái cô này!” Cậu nhăn nhó.

Quất Tây trầm tư một lúc, cô thốt ra: “Có người không thích cậu. Họ cố ý đấy.”

Mâm Xôi khó hiểu: “Tôi… Tôi không làm gì sai, cũng không đả động đến ai ở sở thú cả. Tôi chỉ làm việc của mình và kiếm chút tiền thôi.”

Quất Tây uống hết chai nước dâu, màu đỏ của những quả dâu nhuốm một chút lên vành tai cô: “Nhiều người phức tạp quá, người ta thấy cái gì giản đơn và tử tế thì không thích vậy thôi.”

“Có cả cách nghĩ như vậy à?” Mâm Xôi vẫn chưa hiểu lắm.

“Lúc cậu mới đến làm chỗ này, dù tôi không nói mà cậu vẫn lau sàn sạch bóng thế kia. Tôi nghĩ cậu này hay thật, không kêu cũng làm, mà làm với vẻ rất đương nhiên đó là chuyện cậu nên làm thế, chứ không phải vì yêu cầu nọ yêu cầu kia. Tôi có thể hình dung ra cậu chăm lũ chuột chu đáo đến mức nào dưới khoảng trời xanh ngăn ngắt. Hình ảnh đó, kiểu tử tế đó rất hiếm trong thành phố này, cậu có biết hay không? Hiếm đến mức người ta cảm thấy nó thật kỳ cục và không nên xuất hiện nữa ấy.”

Mâm Xôi trố mắt nhìn cô, Quất Tây thấy sự ngạc nhiên vô cùng trong mắt cậu thì phì cười: “Thật đấy, nên không phải do cậu đâu, ngốc ơi là ngốc.”

Thế rồi trong khoảnh khắc đó, Mâm Xôi bình tĩnh lại. Những tự trách và bất an cậu vẫn luôn giữ trong mình từ ngày bầy chuột chết đi đã trở nên nhẹ như không, vút qua khỏi những nhánh bàng lá rộng xanh um tùm, rồi tan vào một cơn gió bay mãi lên trời, để lại cậu đứng nhẹ nhõm, thăng bằng trên mặt đất.

“Cảm ơn cô.” Cậu chân thành nói.

Có lẽ cậu vẫn chưa đổ vỡ đến mức như cậu đã luôn tự nghĩ về mình.

“Cô cũng kể chuyện gì đó đi. Tôi hình như không biết gì mấy về cô.”

“Vui hay buồn?”

“Sao cũng được.”

“… Cậu là người đầu tiên bước vào nhà này sau ngày bạn bè tôi đến mừng nhà mới đấy.”

“Ơ?”

“Ừ. Ngày đó tôi vừa dọn đến, một vài người bạn, từ lúc đi học có, biết lúc cùng nhau làm nghề cũng có. Họ mở tiệc mừng linh đình lắm, vì họ cứ nghĩ tôi sẽ không chịu ở yên một nơi. Trước đó mấy năm, tôi đi làm ở đâu thì ở trọ gần đấy - nhà nghỉ, khách sạn, nhà của khách, kho hàng, bệnh viện, phòng y tế… Ngôi nhà này là được một người khách cũ của tôi giới thiệu. Chủ cũ của nó…” Cô ngập ngừng một lúc khi nhớ đến lá thư từ biệt lúc mới dọn vào: “Anh ấy dọn lên biên giới.”


“… Trở lại tiệc mừng nhà mới, các bạn tôi mang đến rất nhiều thứ. Đồ bếp, đồ dùng trong phòng ngủ, kệ sách, rất nhiều sách và tạp chí… Nhiều lắm. Sau đó, tôi cũng đem về rất nhiều đồ lưu niệm. Mỗi lần đi làm việc, tôi hay lấy một món đồ nào đó đặc biệt nhất của mỗi khách hàng, một vật gần nhất với bản thể của họ. Có lần gặp một nhà nghiên cứu côn trùng, tôi xin một tiêu bản bướm rất hiếm, cánh lấp lánh lân tinh đẹp vô cùng. Gặp một thợ chế tạo đồng hồ, tôi có một chiếc đồng hồ cực kỳ tinh vi và có thể đếm được thời gian ở một ngôi sao khác tương quan với thời gian của trái đất như thế nào… Kiểu vậy đấy, tôi đã nghĩ, mình có nhà là có nơi để chứa đựng mọi niềm vui và mọi điều kỳ thú trên đời này, như một kho tàng tích luỹ dần và cứ mỗi lần mở cửa kho ấy tôi sẽ thấy thật sung sướng. Chúng là thành tựu của tôi, là mọi điều làm tôi mãn nguyện. Ngôi nhà này đã từng đầy ắp như thế đó.”

Cô đưa mắt nhìn khắp nhà, rồi chậm rãi nói tiếp, “Rồi mấy ngày trước, tôi vừa bán vừa cho gần như tất cả mọi thứ.”

“Vì sao thế?”

“Đồ đưa về mãi mà không dùng đến, dần dà tôi cũng không còn nhớ là đã đem về cái gì nữa. Chúng hỏng tôi cũng không biết phải sửa thế nào… Cũng ngộ ha, thợ sửa cho người khác không biết phải làm gì với đồ đạc trong nhà mình. Nhưng mà tôi mệt quá. Nên chỉ giữ lại một ít đồ thật sự không thể thiếu và vài thứ nho nhỏ tôi quên mất, còn lại thì tôi cho đi hết cả rồi.”

Cậu lặng im nghe cô kể, lần mờ nhận ra sự mỏi mệt khôn nguôi quẩn quanh trên vai áo của cô. Trong một tích tắc, cậu gần như nghĩ có lẽ không phải cậu, chính cô gái này mới là người sắp tan đi mất rồi. Suy nghĩ đó làm cậu hốt hoảng. Lẽ nào có thể như vậy đâu? Lẽ nào sáng hôm sau, khi ngày mùa xuân dần chuyển sang hè, ngôi nhà và những tấm rèm còn ở yên đây mà Quất Tây không còn nữa?

“Này.” Cậu thốt lên. “Cô đừng làm vậy.”

Cô quay lại nhìn cậu ngạc nhiên, Mâm Xôi ấp úng nói tiếp khi nhìn liên láo lên trần nhà “… Nếu mệt mỏi thì cô cứ gọi tôi đến làm giúp là được mà, có phải không? Người nào làm việc nấy, mấy chuyện dọn dẹp lao động chân tay này tất nhiên là tôi làm rồi.”

Trong ánh nến còn mãi lấp lánh và hương thảo mộc lan toả mãi, cậu nghe thấy cô nói nhỏ: “Nhớ rồi, cậu ngốc.”

Lần này với một tiếng cười êm dịu.

-

Sớm hôm sau, Mâm Xôi khăn gói đi.

Quất Tây tiễn cậu trên bậc thềm bên cửa vòm hồng thắm. Phía đông, mặt trời ló dạng, ửng chín như lòng đào quả trứng, toả rạng thứ ánh sáng tươi tắn. Mâm Xôi nhìn về nơi con đường dẫn ra khỏi khu phố  chưa thấy rõ dẫn đến nơi đâu. Chỉ là cậu xong việc rồi nên giờ phải đi thôi.

Cô mở đầu cuộc tiễn đưa bằng việc gửi cậu phần thù lao cho gần ba ngày làm việc. Cậu nhận lấy, bất ngờ trước sự hậu hĩnh của nó, rồi lúng túng hỏi: “Tôi tưởng cô trừ hết tiền lương của tôi rồi chứ.”

Quất Tây phì cười: “Tôi có nói với cậu là đã làm cho tôi là được ngày ăn đủ bữa miễn phí, được cung cấp đủ mọi công cụ lao động chưa nhỉ? Mà đừng lo lắng, cậu làm tốt mà, nên thù lao phải đáng công của cậu. Sau này cũng vậy, đừng làm không công cái gì đấy cậu ngốc.”

“Tôi không có ngốc”, Cậu dở khóc dở cười, rồi bước xuống những bậc thang, chậm rãi đi ra ngoài cổng. Bước chân chậm như thể không khí lúc này tốt đẹp quá, ngày mùa xuân còn êm dịu quá, cậu không nỡ rời đi.

“Nếu có dịp, tôi gọi cậu làm tiếp được không? Biết đâu lúc đó nhà lại nhiều đồ đạc trở lại rồi.”

“Để xem đã, biết đâu đấy.” Cậu gật gù.

“Ừ, biết đâu.”

Cửa vòm màu hồng dần khép lại. Mâm Xôi nhìn về con phố trước mặt. Cậu xốc lại cổ áo, nhân lúc mặt trời chưa lên hẳn, tiếp tục cuộc hành trình vô định của mình trong thế giới mà hễ cậu phân tâm một lúc cứ chực chờ vỡ nát. Cậu nghĩ thầm, ít nhất là dù những ngày tới có ra sao thì tại nơi đây, trong lúc này, có một cô gái đang ở yên trong ngôi nhà tươm tất với mười chín cái rèm sạch sẽ thơm tho. Cậu tin là mình vừa làm được một chuyện vô cùng quan trọng, dù nghĩ đi nghĩ lại không có gì to tát hơn là giặt giũ dọn dẹp mấy ngày qua.

Nhưng trong ánh mặt trời của ngày mới sang, Mâm Xôi cứ bước những bước vững chãi, cố mường tượng ra cảnh ở một nơi xa thẳm, những mảnh ghép lại được sắp xếp hoàn chỉnh và thăng bằng. Cậu tiếp tục lên dây cót cho chính mình, rồi bước đi.

Mặt trời đã lên rạng rỡ.

Hết