Những hình tương đối | Bảo toàn những bất toàn - Thuyết tương đối

Bảo toàn những bất toàn

Quất Tây thức giấc trong bóng tối bao phủ, nhắm hay mở mắt chỉ thấy một màu đen. Cô thử đưa tay lên trước mặt mình nhưng không thể thấy năm ngón tay xoè ra trên chóp mũi. Rồi cô nhớ ra mình đã bán đi vài chiếc đèn và mấy chiếc đồng hồ. Có một thời Quất Tây từng thích những chiếc đèn nhỏ hình ngôi sao và những vầng bụi vũ trụ trên tường, bên dưới một ngôi sao là chiếc đồng hồ hình con ếch đậu trên lá sen nhìn ra thiên hà lấp lánh. Nay thì những ngôi sao, thiên hà và tiếng kêu đếm giờ lùi xa cả rồi, mang theo cảm giác về thời gian chảy đi mãi như những dòng suối nhỏ vào biển khơi và không thể quay lại nữa

Khi mắt đã quen dần với bóng tối, Quất Tây dò dẫm đứng dậy và bước đến tủ quần áo, lấy ra bộ đồ trên cùng rồi bước từng bước nhỏ về phòng tắm. Vẫn chìm vào bóng tối, cô để nước lạnh xối lên người làm rần rật tê buốt trên da, có chút vị đắng và hương xà phòng treo lại bên miệng, nghe hơi thở và các giác quan của mình dần rõ ràng lại. Khi cô bước ra, có cảm giác như vừa được tái sinh. Lúc này, mép những tấm rèm cửa vừa ánh lên chút màu hồng từ một mặt trời xa thẳm phía dưới chân mây.

Quất Tây chậm rãi bước xuống dưới nhà, nhìn thấy những khung cửa sổ to đã phủ một sắc hồng pha lam rất nhạt. Trong cái lờ mờ ấy, Quất Tây nhìn thấy hình hài co ro như con tép của cậu làm thuê đang nằm trên một tấm đệm mỏng cạnh đống đồ đạc mà cô không rõ vật gì với vật gì.

Quất Tây bước đến gần cậu ta, cảm giác lòng bàn chân sạch sẽ kỳ lạ. Lớp bụi nhám trên sàn đã không còn. Cô ngồi xuống và nghiêng đầu nhìn gã lao công còn đang say ngủ trong ánh sáng ngả hồng ngày càng rõ. Cô bước sang giữa nhà, nhấc điện thoại, gọi đến cửa hàng Bán Lẻ Mọi Thứ, đặt một bộ quần áo nam đơn giản. Khi được hỏi có kèm luôn cả đồ lót hay không, cô bảo: Sao cũng được. Khi được hỏi tiếp cô mua cho bạn trai hay sao, cô cũng giản đơn mà đáp: Sao cũng được.

-

Lúc gã làm thuê nhiu nhíu mắt, che miệng ngáp một hơi dài và dần tỉnh lại, mặt trời đã soi rõ không gian. Cậu dụi mắt, thấy Quất Tây đang ngồi trên sàn và ăn pizza từ hộp đồ ăn mà hôm qua cô chưa kịp động đến. Cô cầm miếng pizza đã mềm trên tay, cắn nhai chậm rãi mà ngon lành. Bóng cô đổ trên nền nghiêng nghiêng mềm mại, bớt đi mấy phần cứng nhắc thường có.

“Chào buổi sáng. Mà sao lại ăn sáng với pizza? Bánh mềm hết rồi mà.”

“Tôi đói mà, hôm qua đã ăn gì đâu.” Cô nhẹ đáp.

“Còn ăn được không đấy?”

“Ngửi mùi thì chưa sao.”

“À.” Mâm Xôi gật đầu, nhớ đến bữa ăn hết sức no nê vui sướng hôm qua và cảm thấy tiếc là cô đã ăn quá trễ khi thức ăn không còn nóng sốt. Với kẻ rày đây mai đó như cậu, ăn là việc không nên chờ đợi hay bỏ lỡ, vì không biết lỡ rồi thì có thể có lại bữa ăn và cảm giác tròn trịa, hạnh phúc ấy hay không.

“À này, hôm qua bạn nhân viên gọi tới giọng ngộ lắm.”

Mâm Xôi kể lại chi tiết cuộc điện thoại, cố không bỏ sót chi tiết nào từ việc mình đặt mua gì đến việc bạn nhân viên bán hàng nói lắp bỗng tuôn trào chữ nghĩa rồi chào một câu nhẹ nhõm cuối cùng. Khi cậu kể, Quất Tây vẫn từ tốn ăn nốt pizza rồi bước đến bình nước rót một cốc nhỏ, uống cạn.

“Cô bé đấy trước đây hay nói dối.”

“Bạn bán hàng ấy à?”

“Ừ. Rồi bạn ấy gặp những rắc rối khủng khiếp. Cậu nói dối được một lần, đến lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, rồi đến lần một trăm lúc nào không nhớ, rồi thì cậu cũng không còn đếm nữa. Dối trá nuốt chửng cậu vào một thứ khủng khiếp như cát lún. Cô bé ấy lúc gặp tôi giống như đã chìm đến thắt lưng. Điều đơn giản nhất là nói ra mình cần được giúp, cô ấy cũng không thể nói. Lần đầu tiên tôi hỏi, em có cần chị giúp gì không? Cô nhỏ khóc oà ra, vùng vẫy. Nhưg càng cố gắng cựa quậy thì càng lún sâu thêm thôi.”

Quất Tây dường như không nhớ rõ chi tiết câu chuyện xưa ấy nữa, nên chỉ nói vắn tắt: “Chúng tôi gặp nhau hai lần… Nếu như những gì cậu nghe thấy thì cô bé ổn hơn trước nhiều rồi đấy.”


Mâm Xôi im lặng quan sát Quất Tây. Khuôn mặt của cô quá đỗi điềm nhiên, lời cô kể cũng nhẹ nhàng như không khí. Chuyện đêm qua, chuyện sáng nay - nếu chỉ nghe giọng kể thì dường như chỉ là những tủn mủn hằng ngày không đáng để nhớ đến, nhưng bỗng Mâm Xôi vỡ lẽ rằng bên dưới giọng nói nhỏ nhẹ của cô dường như cuộn trào những cơn sóng cả.

Quất Tây, người thuê cậu lau dọn nhà cửa, cô ấy làm gì nhỉ? Cô ấy có phải chỉ là người làm công chức bình thường trong thành phố, ra khỏi nhà lúc tám giờ và về đến nhà khi trời sụp tối? Hay mỗi ngày của cô lạ lùng hơn thế, cũng đầy những mảng màu trôi nổi và rơi vỡ xung quanh? Cô bước qua những vỡ vụn của không gian để tìm kiếm điều gì?

“Cậu đang thắc mắc tôi làm gì với cô bé nhân viên kia à?” Quất Tây quay lại, nhìn cậu cười mỉm. Cậu nhẹ gật đầu.

“Có một nghề nghiệp… Tôi không rõ phải gọi tên như thế nào. Chúng tôi… một số người có năng lực bẩm sinh, có những người là rèn luyện nhiều thập kỷ. Chúng tôi di chuyển qua không gian rộng hơn, đa chiều hơn không gian của hầu hết mọi người. Hoặc có thể hiểu rằng không gian chúng tôi nhìn thấy và bước qua mới chính là không gian thực, nơi có những gắn kết hữu hình với dòng thời gian trước đây, bây giờ và mai sau. Bởi nhìn thấy rất nhiều thứ xung quanh một người cùng một lúc, chúng tôi có thể quan sát ở nơi nào họ cần giúp đỡ nhất. Nói đơn giản thì, như một người thợ may hay thợ sửa xe thôi. Tôi không dám gọi mình là một người thợ sửa chữa, nhưng quả thực tôi tự nuôi được bản thân mình từ việc giúp người khác vá các lỗ hổng mà nhiều khi họ chưa bao giờ nhìn thấy - trước khi chúng nuốt chửng lấy họ, vắt kiệt và nhai xương họ đến không còn gì.”

“Lạ quá chừng!”

“Cũng lạ lùng không kém gì nghề nhận việc làm thuê qua buồng điện thoại cũ, có đúng không nào? Nếu lạ như nhau, có nghĩa là bình thường như nhau cả thôi.”

“Rồi sau đó?” Mâm Xôi hỏi.

“Sau đó?”

“Sau khi cô sửa xong một … lỗ hổng ấy? Có phải cô bạn nhân viên kia khỏi hẳn rồi không?”

Quất Tây lắc đầu: “Không hẳn. Không thể đòi hỏi quá nhiều. Vá xong một lỗi sẽ làm sản sinh lỗi khác. Chỉ hy vọng là lỗi mới không quá tệ. Khách của chúng tôi đã học được đủ từ những gì đã trải qua để giữ cho những lỗi phát sinh về sau không phình ra như một khối u. Chúng tôi gọi đó là luật bảo toàn những bất toàn. Cô bé kia có lẽ mãi về sau cũng không biểu đạt được trôi chảy và từ tốn nữa. Nhưng cô ấy chấp nhận được việc này thay vì bị kéo xuống đáy sâu.”

Mâm Xôi gật gù ra vẻ hiểu chuyện. Quả nhiên trên đời này có điều gì là hoàn hảo đâu? Cái gì cũng chỉ đến mức tương đối mà thôi.

“Vậy cô xem tôi này, tôi thì hỏng thế nào?” Cậu hỏi nửa đùa nửa thật.

Quất Tây quay hẳn người sang mà quan sát cậu thật chăm chú, đến mức cậu hơi bối rối vì cô bỗng dưng nghiêm túc quá. Rồi một lúc sau, cô nói: “Tôi không rõ… Tôi luôn có cảm giác khi cậu bước qua một vùng không gian khác, di chuyển từ đây sang kia, từ lúc này sang lúc nọ - cậu luôn có khả năng tan đi. Một phút trước cậu còn ở trước nhà tôi nhận việc, một phút sau - nếu tôi không cho cậu nhận - có lẽ cậu đã vỡ ra rồi biến mất. Tôi chưa bao giờ gặp ai như vậy cả.”

Mâm Xôi há miệng như thể định nói lên điều gì, mà rồi cậu cũng không thể nói lên được.

“Có phải cậu luôn cần điều gì đó níu giữ cậu ở lại đây và ngay lúc này, trong hiện tại, hay không? Có phải vì điều đó nên cậu không thể không nài nỉ tôi xin nhận việc phải không? Cậu không có một hệ quy chiếu nào cố định. Mỗi khi hệ quy chiếu thay đổi, cậu đều có khả năng tan biến vào những khe hở mà không ai nhìn thấy và nhớ đến.”

“Nhưng ít nhất, giờ thì cậu vẫn ở đây.” Cô mỉm cười.

Một nỗi xót xa len lỏi thẳm sâu trong lòng cậu, làm khoé mắt cay cay. Mâm Xôi thở một hơi dài như thể đã nín thở hồi lâu.

“Ừ. Ít nhất tôi còn sống được hết hôm nay.”

-

Họ còn nói chuyện thêm một lúc nữa, đến khi toàn bộ ngôi nhà bừng sáng lên trong nắng. Trước khi Quất Tây mang túi ra khỏi nhà, Mâm Xôi nói nhanh gọn về việc cậu đã quét và lau sàn nhà từ sau ra trước, từ trên xuống dưới, trừ phòng ngủ của Quất Tây. Trước đó nữa, cậu đã tốn gần một giờ để sửa chữa van nước tổng ở gần bếp dưới nhà, để có đủ nước cho đợt tổng vệ sinh sắp tới.

“Giặt rèm thôi mà tốn nhiều công sức vậy sao?” Quất Tây ngạc nhiên.

“Giặt cần nước mà cô!” Mâm Xôi cãi, “Giặt xong thì phải phơi, mà nhà cô thì có chỗ nào phơi ngoài trải lên sàn đâu. Mà sàn lại bụi thôi là bụi, thế thì phải lau, mà lau dĩ nhiên cũng cần nước. Làm nhà hàng và sở thú nhiều lần, tôi cứ nghĩ nhà nào cũng có đủ nước để rửa bụi đấy. Nhà của cô ngộ thật.”

Quất Tây phì cười, “Vậy hôm nay cậu giặt chưa?”

“Ừ.”

“Xuân phân hình như là ngày mốt?”

“Tôi nào biết xuân với hạ, thu với đông đâu. Cô bảo ngày mốt là ngày mốt.”

Quất Tây ngắm nhìn khắp nhà lần nữa trước khi mở cửa ra ngoài bước vào một ngày nắng tốt. Bên thềm, hai cái chậu giặt cỡ đại và một hộp nước giặt to đang đặt gọn gàng bên một chiếc thang xếp. Kế bên là một bưu kiện hình như vừa giao đến tức thì, do cô đặt sáng nay dành cho cậu giúp việc. Cô nói vọng vào trong:

“Cần tắm rửa thì có quần áo đây nhé. Tôi sẽ trừ vào tiền thuê sau.”

“Ơ?”

“Xong trước ngày mốt nhé!”

Không đợi cậu trả lời, cô đóng cánh cửa hồng thắm lại sau lưng và bước ra ngoài phố.

-

Ngày hôm đó với cậu thợ giặt không dài cũng không ngắn. Cậu bỏ bữa sáng sau một buổi ăn no nê hôm trước mà vẫn không thấy mệt mỏi gì. Mâm Xôi hài lòng trước thiết kế của ngôi nhà này thật vừa vặn cho công việc cậu đang làm, dẫu nhà có hơi trống vắng. Hai chậu giặt to được đặt cạnh vòi nước vừa sửa xong, nơi lẽ ra đã là một phòng tắm khác với phần sàn hơi hõm xuống và miệng thoát nước ở góc phòng. Cậu bắc thang lên để tháo những bức rèm có mùi nắng phai, gom lại và bỏ vào chậu giặt, mở vòi cho nước chảy ngập chậu và cho xà phòng vào, làm sạch lớp bụi đã thấm sâu trong thớ vải. Mười chín cái rèm to dày, cùng mười chín lớp rèm lót bằng voan mỏng. Mỗi chiếc cần khoảng một tiếng để ngâm và ba mươi phút vò tay cật lực. Rồi xả, vắt, bê ra sàn trải ra để nắng và gió hong khô.

Mâm Xôi vừa làm vừa nghĩ vì sao lại chọn xuân phân để đặt rèm và vệ sinh nhà cửa. Cậu nghĩ xong cũng tự trả lời, không biết đúng được mấy phần, rằng lúc này mọi sự đều là vừa đúng. Ngày dài như đêm, vừa đủ ấm để vải khô nhanh, mà cũng không quá nóng để làm cậu kiệt sức.

Làm đến khi đói thì lại tiếp tục gọi đồ ăn. Hôm nay cửa hàng giao đến một phần hủ tíu hoành thánh, nước thơm phức mùi tỏi phi, rắc hẹ xanh um, vị kiểu của những xe mì ở khu phố cũ hay có người đi gõ lóc cóc rao bán buổi khuya. Mâm Xôi vừa ăn vừa chảy nước mắt do tiêu cay xộc lên, hay chắc do nhớ những đêm đợi tiếng gõ rồi nhớ ra mình không còn được mấy đồng trong túi. Ăn xong lại làm. Rồi lấy bộ quần áo Quất Tây đặt cho trong hộp đồ giao hàng, đi tắm rửa, giặt đồ cũ phơi lên những song cửa sổ, rồi nghĩ: “Giá như đi làm lúc nào cũng vừa vặn thế này mãi, ha.”


Thuyết tương đối

Hôm nay Quất Tây gặp khách hàng ở một phòng thí nghiệm ngầm dưới đất, bên cạnh một cảng container cũ bên sông. Một nơi không còn gì thích hợp hơn để thực hiện các thí nghiệm mà có lẽ loài người sẽ không bao giờ biết đến hay ứng dụng. Khách hàng của cô liên lạc qua một đoạn tin nhắn thoại gửi vào tổng đài của những người thợ sửa chữa như Quất Tây, nói rằng thị giác của bố cô ấy đang dần lụn bại. Bác sĩ không thể khám ra mắt ông hay những dây thần kinh trong não có vấn đề gì. Thị lực của ông, ở tuổi hơn sáu mươi, đáng ra vẫn hai mươi trên hai mươi nếu xét theo hồ sơ sức khoẻ. Nhưng người con gái nói, giọng thật buồn bã, rằng dường như trong mắt ông không còn đứng yên. Chúng đều đang chuyển dịch lệch quỹ đạo, những hình thù chỉ tương đối gọi là có dáng có hình, mà không có đường có nét.

Quất Tây vừa hỏi đến đoạn lần cuối ông ăn cùng con gái là khi nào, ông bảo đã đến giờ ông phải làm việc lại và các lò phản ứng cỡ nhỏ sắp cho các kết quả vô cùng hệ trọng. Quất Tây đành chào ông ra về, bước lên mặt đất khi gió nóng của phương nam rang chín khuôn mặt, đón ba chặng xe buýt và đi bộ qua mấy dãy phố, rồi đến nhà khi trời đã sang chiều. Cô ước lượng vậy khi nhìn vào hướng nắng rọi trên tường, và nghe cơn đói rã rời tràn vào dạ dày.

Cô mở cửa vào trong, thấy dưới sàn là những bức rèm dơ đã tháo xuống đợi giặt, chất thành một ngọn đồi nhỏ. Không có rèm, nắng được dịp cắt những đường sắc lẻm vào trong nhà, làm rõ lên những đám bụi cuộn mình lửng lơ trong không khí. Nhà đã trống nhìn càng thêm trống.

Nhưng nhà không hề vắng. Gã làm thuê đang mở vòi xả nước ào ào đằng kia. Cậu đã giặt đến tấm rèm thứ chín. Trong tám tấm đã giặt, năm tấm đã được trải phơi ra sàn nhà, một tấm đang ở trong chậu xả nước, ở cái chậu còn lại là hai tấm đã giặt xả đang đợi vắt ráo để đem phơi. Chúng không quá phức tạp, chỉ bám bụi lâu ngày, và qua mấy lần nước lại trở nên tươi tắn ngay thôi.

Quất Tây nhẹ bước đến bên vòi nước. Không báo trước một lời, cô nghiêng người về phía vòi nước đang tuôn chảy mát rượi mà vốc nước rửa mặt trước đôi mắt mở tròn của cậu ta.

“Cô về rồi à?”

Cô gật đầu thay cho lời đáp.

“Cô giúp tôi đem rèm trải ra phơi có được không? Hôm nay có thể xong được hơn một nửa đấy.”

“Không.” Vì sao cô phải làm việc nhà nhỉ, cô đã mệt rũ người vì công việc bên ngoài cơ mà, và cô còn tốn tiền thuê người nữa.

“Cô giúp thì xong nhanh hơn đấy. Cô dặn phải xong trước ngày mốt còn gì? Tranh thủ nắng đang tốt thế này, đi nha?”

Quất Tây hít sâu, đứng thẳng người dậy, xắn gấu quần lên gần gối và tay áo lên qua khuỷu. Cô không nhìn đến cậu một chút nào: “Tôi sẽ trừ vào thù lao của cậu.”

“Tôi nghĩ chắc hết việc là tôi cũng cạn túi rồi.” Mâm Xôi cười ha hả.

Bằng hết sức bình sinh, cô ôm chiếc chậu đựng những tấm rèm đã giặt đến một nơi còn trống trên sàn và trải từng tấm một ra. Trải xong thì cánh tay ướt đẫm từ khyủu đến những ngón tay, còn trán cô thì nhễu nhại mồ hôi. Quất Tây nhìn những tấm rèm đang hong khô, màu hồng của chúng thật khác xa so với sắc ám trầm trước khi giặt, đến nỗi từng nếp vải cũng thắm lại và trông thật mềm mại. Lớp sợi vải trên bề mặt khô nhanh nhất và sáng lên óng ánh. Cô ngồi uống, sờ tay lên vải và cảm nhận sự mịn màng, ươn ớt dưới lòng bàn tay. Cô nghiêng đầu cười mỉm.

Khi Mâm Xôi nói vọng lên: “Cô mang thêm hai tấm rèm dơ xuống đây được không?” thì cô đứng dậy, làm theo không chút phiền lòng.

Mâm Xôi giặt đến tấm rèm thứ mười ba thì nhăn mặt vì đau lưng do đã gập cong người giặt giũ hơn nữa ngày. Quất Tây bảo cậu ra, cô xắn tay áo lên thay chỗ vò những tấm rèm và xả nước cho chúng. Mâm Xôi tiện thể vươn vai đứng dậy, đi tới đi lui trong nhà cho đỡ mỏi, rồi mở hết tất cả cửa chính cửa sổ trong nhà để tranh thủ hứng thêm gió cho rèm mau khô, còn kịp treo lên cho cô chủ nhà mừng ngày mà theo lý thuyết là ngày xuân đầu tiên của năm mới, ở một thành phố mà xét về thực tế thì chỉ có hai mùa nắng mưa.

Có một tiếng ùng ục hết sức buồn cười len lỏi vào bầu không khí. Quất Tây ngước lên nhìn Mâm Xôi đang khệ nệ bưng một chậu rèm đã giặt lên tầng trên để phơi.

“Cậu đói à?”

Cậu nhíu mày nghĩ ngợi, “Không, hình như do cô đấy.”

“Tôi?” Cô ngạc nhiên, chắc không phải chứ? Nhưng rồi âm thanh ùng ục lại xuất hiện, lần này rõ ràng hơn, cùng lúc đấy bao tử cô quặn thắt lại. Cô ngẩn người, chớp mắt thừa nhận, “Phải, do tôi.”

Mâm Xôi nhìn cô chủ nhà, rồi nhìn lại bụng mình đang teo tóp, uể oải nói, “Không riêng cô đâu. Do tôi nữa.”

“Mấy giờ rồi nhỉ?” Đôi khi không có đồng hồ thật là tai hại, khái niệm về dòng chảy của thời gian bỗng xa xôi quá, suýt nữa cô quên bẵng mình cũng cần ăn.

Mâm Xôi đặt chiếc chậu xuống rồi đi ra hiên nhà để nhìn xem ngày đã đến buổi nào. Phía trên những bụi cây trong vườn các ngôi nhà kế cận, một mảng trời đã hơi ngả hồng và có tiếng lũ chim líu ríu kêu khi trở về tổ sau một ngày kiếm ăn. “Gần tắt nắng rồi đấy”

“Đói quá.” Cô thú nhận, rồi ngay lập tức rửa tay đứng dậy bước về phía chiếc điện thoại, gọi tiệm ăn: “Em ơi còn gì ăn không? Gì cũng được, nhanh nhanh nhanh. Chị đói sắp xỉu. Đói đến mức sắp trở thành vai ác rồi đây này.” Cô hối thúc tiệm ăn như thể họ đã bỏ đói cô một vạn năm. Mâm Xôi thì cười khúc khích.

-

Trời nhập nhoạng, đêm dìu dịu kéo về. Họ kéo những tấm rèm chưa khô hẳn sang bên, để lộ ra một khoảng nền nhà mát lạnh.

Có tiếng chuông cửa vọng vào từ thềm nhà, Mâm Xôi bước ra và bê vào một hộp giấy to cùng vài chai nước lọc. Cậu đặt cửa hàng Bán Lẻ Mọi Thứ thêm một chiếc đèn pin sạc, thứ mà hôm qua cậu đã quên. Quất Tây mở đèn đặt trên khoảng nền nhà trống, ánh sáng trắng ngà rạng lên trong bóng tối dần phủ dày, vầng sáng còn chứa hơi nước từ những tấm rèm lấp lánh như lân tinh. Mâm Xôi mở hộp, lấy một cái bánh mì to và một tô cháo nhỏ ra sàn. Cậu làm thuê ăn bánh mì đầy ụ nhân, cô chủ nhà ăn cháo ninh nhừ với nước xương cho dịu dạ dày.

Một lúc sau, trong nhà chỉ còn lại đêm tối mênh mang và vầng sáng từ chiếc đèn sạc, Quất Tây lấy trong túi xách của mình một quyển sổ nhỏ, bìa da và mở ra dưới ánh đèn tù mù. Mâm Xôi tò mò nghiêng đầu vào nhìn ngắm khi cô mở ra trang đầu tiên, ghi rằng: “Mọi định luật vật lý xảy ra không thay đổi trong mọi hệ quy chiếu quán tính.”

Cô mở sang những trang tiếp chi chít các phương trình, ký kiệu và chữ viết tay chồng lên nhau. Mâm Xôi không thể phân biệt được gì là gì cả, bởi nét viết rất vội như thể nếu không ghi chú ngay lúc này, những ý tưởng ấy sẽ mãi mãi bỏ đi và chìm vào dòng thời gian như một lạch nước nhỏ chảy vào sông rộng. Giấy đã hơi cũ, ở rìa một số trang còn ố màu trà với cà phê. Quất Tây xem qua một lượt và hỏi nhỏ, “Rất hay ha?”

“Không”. Cậu lắc đầu, thành thật trả lời.

“Xem này,” Cô mở về trang đầu tiên, “Cậu có thể nghĩ là, ở đâu đi nữa, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi “hệ quy chiếu”, cậu vẫn là cậu. Với những điều tốt và không tốt, với sự bình an và khả năng tan vỡ, với cách cậu nghĩ suy và vẽ ra thành màu thành hình khối, với kiểu cậu nhìn vạn vật là muôn vạn mảnh g hép có khi không hề kết nối vào nhau… Tất cả những hiện tượng đó đều không thay đổi. Cho dù cậu có ở đây hay ở thành phố khác, sống ở một ngôi nhà khang trang, đi làm ở một văn phòng sáng rực ánh đèn, hay ở một gác xép nhỏ… Cho dù cậu ở trái đất hay ở một hành tinh trôi dạt trong đám mây bụi già hàng ngàn tỉ năm của một thiên hà khác, cậu vẫn như thế. Sự tồn tại của cậu ngay phút giây này, và khả năng tan biến của cậu trong một chớp mắt sau, đều không vì xung quanh mà khác đi. Điều này nghĩ lại thì vừa an tâm, vừa lo âu, cũng hết sức kỳ lạ, không phải sao?”

Quất Tây từ tốn ăn hết cháo. “Mặc dù vậy, cậu vẫn gắn liền nơi đây và ngay lúc này. Không gian và thời gian quanh cậu tạo thành hiện thực, giống như một vùng biển riêng tư mà chỉ mình cậu sở hữu. Cậu hình dung không gian là nước còn thời gian là gió, nơi chúng gặp nhau sẽ mang những con sóng từ vùng biển của cậu toả ra đến những vùng biển khác - là không-thời gian của người khác. Tất cả chúng ta đều không thể nào khác đi chỉ bởi vì chúng ta chuyển nơi ở, nơi làm, lựa chọn đi khắp thế gian hay ở yên một chỗ. Đồng thời mỗi một cử chỉ, một quyết định ngay lúc này của chúng ta đều đang lay động đến muôn người vạn vật… Mà suy cho cùng, mình chỉ thấy những gì đang thấy, biết những gì đang biết và có thể như vậy đã là đủ rồi.”

Giọng cô đều đặn và êm nhẹ quá, mà cùng lúc ánh mắt cô hơi nhíu lại và cô nghiêng đầu nhìn chăm chú vào khoảng không trước mắt. Mâm Xôi nghe đến ngẩn ngơ, không hiểu cô đang nói bất kỳ điều gì, mà đồng thời lờ mờ nhận ra cô đang nói những thứ thật là lớn lao quan trọng.

Ăn hết tô cháo nhỏ, Quất Tây kể tiếp chuyện đi làm hôm nay. Quyển sổ này là của người khách cô gặp, ông ấy bắt đầu viết sổ năm hai mươi bảy tuổi và dần lắp đầy hàng ngàn cuốn sổ tay bằng những đoạn ghi chú, mô hình, công thức và những lời giải dang dở.

“Về cái gì cơ?”

“Về mọi thứ.”

Quất Tây im lặng một lúc.

“…Rồi vạn vật tiếp tục xoay vần, dù có ông ấy hay không. Một tháng gần đây ông bắt đầu mất thị lực, kiểu, nhìn đâu cũng thấy nghiêng ngả, ngả nghiêng. Có dáng có hình lờ mờ để đó, rồi cũng trôi tuột đi mà không thành khối hay đường nét.”

Mâm Xôi nghe đến mỏi nhừ trong lòng và dọc theo sống lưng. Hôm nay cậu đã làm nhiều quá. Cậu ngả người ra sàn nhà và nhìn về khung cửa sổ đang hắt sáng từ ngọn đèn đường lấp ló sau những hàng cây rào xung quanh khu phố.

“Ước mơ nhiều quá cũng không để làm gì, ha.”

“Ừ.”

“Tôi không ước ao xa xôi gì lắm, ngoài chuyện được ngủ, được ăn, thỉnh thoảng được vẽ. Tôi không giống cô hay những người lúc nào cũng nhìn rất xa và nghĩ toàn những điều quan trọng.”

Quất Tây cũng thấm mệt. Ngày hôm nay thật dài, chua xót có, vui vẻ có, xao động và bình an cũng có. Cô nằm ngả ra sàn, gối đầu lên đống rèm cửa đã giặt khô, thơm mùi nước giặt và mùi nắng. “Không hẳn. Do cách nhìn thôi. Chuyện cậu thỉnh thoảng nhìn thấy xung quanh đứt rời ra thành các mảnh vỡ có khi quan trọng hơn là cậu nghĩ, bởi vì đến cuối cùng, cậu đã chọn đi xuyên qua tất cả đổ vỡ đó để đến nơi cậu có thể dừng chân. Chuyện tôi làm có thể không quan trọng như tôi nghĩ, vì nếu tất cả chúng ta đều không thể thay đổi dù có tác động ra sao, thì tôi vá được nơi này làm sao có thể vá tiếp nơi khác?”

Cậu nghĩ một lúc, gật gù: “Tôi phần nào hình dung ra đấy.”

“Vậy hả?”

Dường như cô lim dim ngủ mất. Mà cũng dường như là không. Một lúc lặng im thật lâu sau, cô nói, “Có thể tôi cũng hỏng chỗ nào đó, mà nhìn không ra.”

“Không…”

Mâm Xôi chưa kịp tìm từ để nói ra điều muốn nói thì đã nghe tiếng thở cô nhẹ đều. Cô ngủ thật, sau một ngày dài.