Thuỵ Dương

Thuỵ Dương


Truyện ngắn tâm lý học đường dành cho bạn đọc trên 13 tuổi.

Lưu ý: Truyện có nhắc đến các yếu tố bi kịch. Tác giả không khuyến khích hành động của nhân vật ngoài đời thực.


Hôm qua chớm mở mắt đã nghe thấy tiếng mưa sót lại. Lúc ấy vào tầm sáu giờ sáng. Mái nhà trải mình ra hứng lộp độp. Chẳng có con sẻ nào kêu trên ngọn cây mận trong sân. Vệt mây xám thấp thoáng phía sau khung cửa sổ để mở suốt đêm. Một con bướm chao rơi và chết đi trên không trung. Hơi gió mướt luồn dưới khe cửa vào phòng. Tôi nằm nghe, chẳng nghĩ ngợi gì. Cả người thênh thênh như tấm rèm cửa căng trên sợi dây phơi sát bờ biển lồng lộng. Mưa từ đêm làm trời mây u ám phủ qua buổi sớm. Hơi mưa mỏng mềm, xa cách, không chút rạo rực nào, như đám khói còn bảng lảng từ một điếu thuốc tàn ai đó xa lạ châm đêm trước.

Khoảng tám giờ, tôi gọi xe đi thăm Dương. Chỗ cô nằm giờ đây là gạch vữa trắng xanh giữa đám cỏ hoang lũng sũng nước. Trùm lên trên cô là đống gạch, cát và xi măng khum khum hình vòm. Đám cỏ đuôi chồn vờn vã xung quanh gò má cô trên tấm hình áp trên bia. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt Dương vẫn là những chiếc bóng loãng. Tôi không thể làm gì, cũng không định làm gì. Hầu như mọi cảm xúc của tôi về cô đã chìm sâu trong đại dương của sự mơ hồ. Tôi chỉ biết, nếu chuyến về thăm quê này mà không đến nhìn Dương, tôi sẽ càng thêm lún sâu vào một nỗi trống vắng không thể định danh.

Tôi gọi xe về lại thị xã, nói tài xế cho dừng xe ở công viên đầu dốc, bởi tôi nhác thấy Chín Ngón đang ở đó. Cậu đứng tần ngần giữa sân thể thao ở một góc công viên, dáng hình cao vượt trội hẳn giữa cây cối và những chậu hoa mười giờ xung quanh. Cậu quay lại, nhìn thấy tôi, tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Nhưng không chút do dự nào, cậu bảo rằng hai đứa nên đi bộ xuôi triền dốc về gần nhà cậu. Tôi suy nghĩ một lúc rồi gật đầu. Chúng tôi bước chậm, trải ra trước mắt là con dốc xưa cũ, xanh lặng màu nhựa đường. Hai bên là hàng sao cổ thụ, bệ vệ như những tượng đài ngàn năm, vỏ xù xì, lá sũng sĩnh nước mưa, trải ra sắc xanh thẫm mướt mát. Mưa xối đêm qua khiến đám trái nâu rơi lả tả, xoay tròn như chong chóng trong không khí trước khi chạm vào mặt đường ướt nước.

Được một lúc, Chín Ngón hỏi: "Cậu vẫn giữ quyển sổ à?"

Quyển sổ ấy, tức là di vật của Dương. Tôi nên nói gì đây? Ừ thì mình vẫn giữ. Nhưng mình không có ý định mở nó ra đâu nhé. Thế là khiếm nhã với người chết, biết không? Tôi sẽ không nói gì.

Hạt nước mưa đọng trên một cánh sao nâu đẫm ướt rơi trúng mũi giày. Tiếng động làm tôi nhìn ngước sang bên, thấy cậu nhìn tôi, đăm đăm như từ trong quá khứ xoáy vào hiện thực. Tôi không thể khước từ:

“Ừ mình vẫn giữ đây.”

Chín Ngón không hỏi thêm. Chúng tôi im lặng đi cạnh nhau.

-


Tôi gặp Thuỵ Dương vào giữa mùa mưa nhiều năm trước.

Thật kỳ lạ, tôi nhớ về ngày ấy rõ ràng như một vết sẹo còn in trên da thịt. Vậy mà những ký ức sau này của tôi về Dương đã trở nên nhoà nhạt, như những khung hình bị trầy xước không thể khôi phục. Sự tương phản giữa rõ và mờ ấy là một bí ẩn mà tôi đã không còn cố công thấu hiểu.

Tôi nhớ như in hồi bước vào cấp ba, mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm và làm mình lúng túng. Không còn bạn bè cũ. Không gian cũng khác. Trường mới bệ vệ hơn hẳn điểm trường cấp hai nhỏ xíu hồi trước, với hành lang rộng và sâu thẳm kéo đi tít tắp vào sâu trong khuôn viên. Tôi không quen ai ở nơi này. Suốt thời gian chuẩn bị khai giảng, tôi không hé môi với bất kỳ ai, ít nhất thì cũng không có gì ngoài mấy lời chào hỏi. Mọi thứ xung quanh mất đi logic của nó, hay tôi không còn giữ được trật tự của chính bản thân mình. Tôi ngỡ như bước vào một thế giới khác.

Sân trường rộng đến choán ngợp, có ba gốc phượng già trái nâu mùa trước vẫn còn treo lủng lẳng đầu cành, còn những đốm hoa đỏ son của mùa này đã bị trận giông đêm trước vùi dập ít nhiều. Dưới đất là hoa đỏ dập nát, bị ép vào hỗn hợp nửa cát nửa bùn của tháng chín dầm dề mưa. Tôi luôn nghĩ những cây phượng già ấy đã chết đi hơn nửa, giữa màu nâu của những thứ chưa muốn qua và sắc đỏ bầm của mùa mới chớm tàn.

Tôi gặp Dương lần đầu tiên khi cô đứng dưới gốc phượng trong sân trường vào buổi học đầu tiên sau lễ khai giảng. Tôi bước ngang gốc phượng trên đường đến lớp, nhìn thấy cô đứng dưới tán lá, tóc vừa chấm bờ vai, vén qua một bên để lộ một phần gáy và vành tai nhỏ nhắn. Vạt áo dài trắng của cô phẳng lì, bất động. Đôi mắt đen nhìn thẳng về lớp lọc, chừng như định bước vào, lại không.

Tôi đã thốt lên “ồ”. Vì sao lại có học sinh chưa chịu vào lớp?

Tôi thốt lên lần nữa khi vừa vào tiết đầu được vài phút thì Dương xuất hiện ở cửa lớp, tay ôm cặp nghiêng nghiêng. Cô cúi gằm, xin lỗi giáo viên vì đến muộn, rồi đến ngồi ở chỗ trống bên cạnh tôi ở bàn áp chót. Cô bước nhẹ đến nỗi vạt áo dài của cô dường như chưa lay động mảy may. Tôi cơ hồ không cảm nhận được bước chân nào đến gần mình. Như thể sức nặng của Dương đã theo hơi mưa mà thấm hết vào lòng đất, còn Dương chỉ là một chiếc bóng mờ bảng lảng. Xa lạ, mong manh. Tôi nghĩ mình đã rơi một nhịp thở.

“Chào cậu”, cô nhẹ nhàng nói, giọng nhỏ như tiếng thì thầm. Khuôn mặt cô lặng lẽ, chỉ có đôi mắt dè dặt chuyển động. Hôm ấy trời âm u, ánh mặt trời tán xạ qua lớp mây dày trở thành xám trắng. Trong ánh sáng đơn điệu ấy, những chuyển động đầu tiên của Dương nằm lại - với toàn bộ sự rõ ràng của chúng mà không bị nắng chói loà hay mưa khuất lấp - trong tôi.

Trong tuần đầu năm học còn có một sự kiện khác. Một cậu bạn mà lớp chúng tôi gọi là Chín Ngón từ bàn thứ ba chuyển xuống bàn chót, ngồi một mình.

Lý do thì dễ hiểu. Cậu cao hơn mét tám - vượt hẳn so với đám mét rưỡi, mét sáu chúng tôi. Cậu ngồi ở giữa lớp thì nhìn lên đã thấy lưng cậu che đi nửa tấm bảng. Chín Ngón ngồi bàn chót là lẽ tất nhiên, không như chuyện tôi chọn ngồi bàn áp chót còn Dương chọn ngồi ngay cạnh tôi. Chuyện chọn lựa này hẳn cũng vì tình cờ mà thôi, có lẽ chúng tôi đã chọn khác đi. Tôi có thể đã ngồi cạnh bên bạn lớp phó văn thể mỹ ở bàn hai, để bạn giúp tôi xông xáo hơn một chút. Dương có thể đã ngồi bàn đầu, để cô giáo có thể chú ý đến cô ấy nhiều hơn, như những lời nhờ vả của ba cô ấy mà về sau tôi mới biết. Nhưng trời xui đất khiến, chúng tôi đã chọn ngồi gần nhau.

Tiếp theo là một chuyện tình cờ khác. Dương làm rơi viết xuống gần chân Chín Ngón. Cậu khom người nhặt lấy. Cậu đưa viết lại cho Dương bằng tay trái, để lộ cho chúng tôi nhìn thấy bốn ngón tay quấn quanh cây viết. Dương nín lặng. Tôi há hốc mồm. Chỗ ngón út của cậu, thay vì là ba đốt ngón tay tròn vẹn, thì chỉ có một nếp thịt cụt sạm đen. Cậu cảm nhận ánh mắt của chúng tôi, run rẩy rụt tay về. Dương bối rối cầm lấy viết. Tôi nghe thấy hơi thở nóng hổi, gấp gáp của cậu con trai phả vào lưng áo mình.

Dương im lặng một hồi, rồi như lấy hết can đảm, cô quay xuống nhẹ mỉm cười: “Cảm ơn.” Chín Ngón gật đầu, hơi ngượng ngùng. Tôi cũng cười khẽ.

Chúng tôi quen nhau như thế.

-

Khoảng vài tuần sau đó, Chín Ngón ghi danh vào đội bóng chuyền của lớp.

Lúc cậu nói với chúng tôi là cậu được thầy chủ nhiệm nhận vào đội và bắt đầu đi tập, mắt cậu hơi nheo lại, hấp háy, miệng cậu cười toe toét mà vẫn cố không để mình quá to tiếng trong phấn khích. Dù không thích thể thao, tôi vừa nghe đã nghĩ, chao ôi, thật là hợp quá. Chín Ngón cao thế này thì đánh bóng chuyền là phải. Dương cũng vui lây. Bởi cô ít khi vui vẻ, nên bất cứ thứ gì có thể làm cô nhẹ nhàng, linh động hơn một chút đều là những điều cực kỳ quý giá. Cô khẩn khoản hỏi: “Khi nào cậu được đánh?”

“Còn tuỳ mình tập luyện có tốt không, nhưng mà trận đầu tiên của lớp là hai tuần nữa đó.”

Dương níu chặt tay áo tôi như cấu vào da thịt: “Chúng mình đi xem nhé?”

“Mình có thích xem bóng banh đâu?”

“Đi, mà, chỉ những trận của lớp mình thôi.”

Nghĩ đến việc phải ngồi cùng một đám đông đã làm tôi sợ hãi, tôi cố từ chối: “Thì Dương xem với lớp cũng được mà, chắc nhiều bạn đi lắm.”

“Nhưng mình muốn xem với cậu!” Dương gắt lên, suýt bật khóc. Mắt cô tròn xoe, ướt át. Tôi giật mình, cảm thấy bản thân quá đáng với Dương. Lúc ấy tôi chưa hiểu sự nhạy cảm của Dương sâu sắc thế nào, chỉ thấy cô tội nghiệp đến nỗi làm mình nghẹn thở. Tôi đồng ý.

Buổi chiều của trận đấu đầu tiên, chúng tôi hẹn nhau trước cổng trường. Ba Dương đưa cô đến. Tôi đạp xe đến, thấy Dương lặng lẽ nép mình dưới mái hiên nhà bảo vệ. Tôi lại bắt gặp cô với hình ảnh của buổi sáng u ám đó. Gương mặt cô khi chờ đợi như bị niêm phong, bao toả, giấu kín đi.

Chúng tôi bước vào trong. Từ sân trường nhìn sang đã thấy nhà thi đấu sáng trưng đèn, có tiếng hú huýt vẳng lại, tiếng rầm rầm của những vỏ chai nước rỗng đựng đá cuội đập vào sàn - ấy là thứ lũ học trò bọn tôi tự chế ra để đi cổ vũ cho thêm rộn ràng khí thế. Dương và tôi loạng choạng xuyên qua dòng người và tiếng ồn ào siết chặt quanh mình, len lỏi qua những dãy ghế mà lên chỗ trên cùng của khu khán đài dành cho lớp mình. Từ đó nhìn xuống, tấm lưới bóng chuyền trông như một lát cắt mỏng chia nửa sân đấu. Chúng tôi ngồi xuống vừa lúc trọng tài huýt còi “tuýtttt”! Trận đấu bắt đầu.

Chín Ngón không thi đấu ở hiệp một. Cậu ngồi trên băng ghế dự bị ở bên kia sân đấu. Cậu chắc chắn không nhìn thấy chúng tôi, nhưng hai đứa tôi thấy cậu, rõ mồn một khung xương phổng phao, kềnh càng và cả đôi vai cậu hơi run lên vì hồi hộp. Chín Ngón ngồi nhìn những diễn tiến trên sân bằng ánh mắt vừa náo nức vừa buồn bã. Cậu chưa bao giờ dám chắc mình sẽ được chơi bóng trong hôm nay hay trong tất cả các trận còn lại của vòng bảng. Hiệp đầu tiên, lớp chúng tôi thua 16-25. Đội bạn là các anh lớp trên, ai cũng khoẻ. Cả lớp vỗ tay khích lệ, nhưng không ai nghĩ chúng tôi sẽ thắng hiệp sau.


Trời chuyển tối mù phía ngoài nhà thi đấu, thấp thoáng những hạt nước rơi. Rồi rào rạo, mưa trút xuống. Chín Ngón được ra sân sau giờ nghỉ, bước chân của cậu hoà vào tiếng mưa và tiếng vỗ tay. Cậu vào đội hình, rồi phát bóng mạnh đến mức khiến bạn đỡ bóng của đối phương phải khuỵu gối để đỡ, nhưng bóng vẫn rơi xuống đất. Chín Ngón gật đầu với cả đội. Dương nắm chặt tay tôi trong tiếng hò reo vang dội của cả lớp. Chúng nó hét tên cậu, tên của mọi thành viên ở dưới sân, rồi biến tên lớp và những câu khẩu hiệu chiến thắng thành những lời ca. Phút chốc, dòng năng lượng từ khán đài sục sôi như thể dưới sân là những ngôi sao ca nhạc đang biểu diễn các ca khúc thịnh hành nhất. Nhưng nào có âm thanh hoa mĩ nào? Tất cả đều thô mộc, xù xì. Cậu bạn của chúng tôi rướn cao, giương bàn tay bốn ngón đẩy quả bóng rơi nhẹ nhàng xuống sát đường biên. Tỉ số rút lại còn 8-10. Thêm một cú đập nữa, cậu lại ghi điểm. Gương mặt cậu rạng ngời hơn mọi ánh đèn. Cậu cười toe toét và hô lên khí thế khi đỡ bóng thành công. Bọn con gái trong lớp phát rồ. Chúng gào tên cậu khản giọng. Phía trên này, Dương siết lấy từng ngón tay tôi. Kẽ tay hai đứa đẫm mồ hôi. Tôi không nói được lời nào ngoài thỉnh thoảng hoà giọng cùng chúng bạn. Tôi chỉ nhìn rõ mọi thứ. Những bước cậu di chuyển, cách mà cậu đệm bóng, nhả bóng, tự mình dứt điểm hoặc mớm cho đồng đội…, tất cả đều thô sơ. Chúng vụng về, nhám ráp nhưng tràn đầy sảng khoái và mạnh mẽ. Cứ như Chín Ngón đã chờ trận này trong cả cuộc đời ngắn ngủi của cậu. Thân thể cậu bị giằng xé giữa trọng lượng và tự do bay bổng. Gương mặt cậu nhễ nhại mồ hôi mà đầy ắp sung sướng. Tâm hồn cậu vùng vẫy thoát ra khỏi xiềng xích, để chơi một trận đấu như thể đó là việc duy nhất đáng làm trên đời. Niềm tin, sự sợ hãi và lòng phấn khích khôn tả được truyền qua những ngón tay vào quả bóng, biến nó thành một vật thể đầy cuốn hút. Dương không buông tay, cô siết ngày càng chặt. Tôi cũng nghẹn ngào. Ở dưới sân, Chín Ngón đang nhìn tấm lưới đầy khát khao, như muốn xé nát nó ra bằng đôi tay kì lạ của cậu.

Khi đội bóng thua sát nút 24-26, Dương bật khóc. Cô ngả đầu lên vai tôi, nức nở hồi lâu. Tôi choàng tay qua cô gái nhỏ bé, lòng buồn rười rượi. Dưới sân, Chín Ngón cũng buồn, nhưng cậu không khóc. Cậu chỉ lặng ngắm đôi bàn tay mình. Một hồi sau, khi khán đài thưa bớt, Dương đã nín khóc thành tiếng, dù nước mắt vẫn lã chã rơi, thấm vào vai áo, vào da thịt tôi. Nước mắt của cô chắc còn nhiều hơn trận mưa đang rơi tầm tã trong sân trường. Chín Ngón giờ đây mới trông thấy hai đứa đang ngồi thu lu ở góc trên khán đài. Cậu định gọi gì đó, nhưng tiếng mưa đã nuốt chửng mọi âm thanh. Cậu đành vẫy vẫy tay, nở một nụ cười hiền lành. “Không sao, không sao mà.” Nụ cười ấy như nói với chúng tôi rằng cậu ổn. Dù bại trận, cậu vẫn có một cơ hội để tiếp tục thi đấu. Cậu đã có nơi mình được là mình.

Dương kéo tôi đi xem tất cả mọi trận đấu mà Chín Ngón tham gia, suốt từ lớp mười đến khi thời gian của cô kết thúc. Cô mang theo quyển sổ vẽ và viết chì. Khi vẽ, cô không khóc. Trong đôi mắt cô là sự chăm chú gần như mê đắm vào mọi trận đấu, những động tác bật nhảy, đập bóng, vươn tay chuyền bóng của Chín Ngón. Cô ký hoạ ngay trong trận, lia những đường nét rất nhanh, bám đuổi từng diễn biến trên sân. Tôi luôn ngồi cạnh cô, thỉnh thoảng sẽ đưa gôm hay khăn giấy, chứng kiến sinh linh u uẩn ấy đắm chìm vào trong vỏ kén của riêng mình. Có một sợi tơ mảnh nối chiếc kén ấy đến cậu con trai đang mê say thi đấu dưới sân. Tôi cơ hồ nhìn thấy sợi tơ ấy, cơ hồ lại không. Tôi chỉ hiểu rằng có những thứ mãi mãi mình không thể nào chạm đến.

-

Một cơn choáng váng ùa qua.

Tôi khựng lại, ôm lấy lồng ngực mình. Tim đập thình thịch. Trên tóc là những hạt mưa lấm tấm rơi, không biết bao nhiêu lần rồi kể từ đầu mùa mưa ở phương Nam, lan dần từ ngày này qua ngày khác, rửa trôi cái ấm áp xuống những lạch nước nhỏ chảy vào cống ngầm, để lại hơi mát lạnh quanh đầu mũi. Tôi nhắm mắt, cố trấn an chính mình.


“Cậu sao đấy?” Tiếng Chín Ngón đã kề bên, cậu cũng quỳ xuống, đưa tay vỗ về lưng tôi. Tôi lắc đầu, thở hào hển để hít đầy dưỡng khí vào phổi, tự mình vượt qua cơn choáng váng không nguyên cớ, nhưng lâu lâu lại ghé thăm một lần.

“Không sao đâu, chắc sáng nay mình lỡ ăn phải bột ngọt nên dị ứng đấy.” Tôi nói qua quýt. Chín Ngón tất nhiên không tin. Làm sao mà cơn dị ứng bột ngọt mãi đến cuối buổi sáng mới phát tác được cơ chứ? Nhưng cậu đủ lịch sự để không hỏi dồn.

“Mình đưa cậu về nhà nhé?”

“Không!” Tôi gạt đi. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Thời tiết đang dễ chịu và mưa thì chưa làm ướt áo. Tôi vẫn còn muốn đi thêm một lúc nữa. Chín Ngón đỡ tôi dậy, cố ý thả thật chậm bước chân để tôi theo kịp. Cậu bạn của chúng tôi vẫn dịu dàng như ngày trước. Chúng tôi đi tiếp, dù vậy, tôi không biết phải nói gì nữa với cậu, chỉ chăm chú nhìn dưới chân mình. Màu xanh của nhựa đường loang lổ vết mưa, lấm tấm cánh hoa sao vỡ và những vết bùn mà một chiếc xe tải đã để lại từ trận giông chiều hôm qua.

Chín Ngón chợt hỏi: "Cậu vẫn vậy hở? Một mét năm bảy, phải không?”

Tôi ngẩng lên, phát giác ra đỉnh đầu mình giờ đây còn chưa ngang lồng ngực cậu ấy. Năm lớp mười, tôi cao đúng một mét năm lăm, chậm chạp cao thêm khoảng hai phân nữa trong ba năm kế tiếp, rồi ngừng lại từ cuối năm lớp mười hai. Ngày ấy, đứng cạnh Chín Ngón thì tôi thấp hơn bả vai cậu một chút. Từ đó đến nay, tôi đã không lớn thêm được chút nào nữa. Trưởng thành là học cách chấp nhận rằng đôi khi điều tốt đẹp ta khao khát đợi mong sẽ không bao giờ đến. Dường như bên trong tôi có một chiếc khoá đã đóng lại vĩnh viễn, ngăn lại chiều cao và đôi khi cả cảm giác mình đang tồn tại.

“Ừ… mình vẫn vậy thôi. Nhưng cậu vẫn tiếp tục nhổ giò có phải không? Coi nào, bây giờ cậu là một mét tám bảy, tám tám?”

“Một mét chín mốt, lẻ hai ly.” Chín Ngón gượng cười: “Giấy khám sức khoẻ định kỳ mới nhất của mình nói thế.”

“Quỷ thần ôi!” Tôi thốt lên, không ngờ rằng cậu đã lớn đến mức này, bèn đùa một chút. “Cậu vẫn còn dậy thì đấy à?”

“Nào có đâu… Chắc do tập luyện với thi đấu đấy. Mình đang chơi cho một đội bán chuyên. Mình quá lứa để lên chuyên nghiệp rồi, kỹ thuật cũng không bằng các bạn học thể thao bài bản, nhưng mà thỉnh thoảng mình vẫn đánh các giải phong trào. Cũng hay lắm.”

Lúc này tôi mới chịu ngắm nhìn Chín Ngón thật kỹ. Tôi ngước lên hết mức có thể mới trông thấy toàn bộ hình dáng khuôn mặt cậu. Thời gian khoản đãi người bạn hiền lành của chúng tôi thật đấy. Cậu đã rũ đi vẻ thô kệch, xù xì thời niên thiếu, trở thành một thanh niên dày dạn, chững chạc. Bởi tập luyện thường xuyên, người cậu trông cân đối hơn hẳn ngày trước. Cậu đã học cách thẳng lưng khi bước đi, để từng bước chân được khoan thai, lịch thiệp. Khuôn mặt của cậu đầy đặn hơn và luôn giữ một nét mặt điềm tĩnh. Mái tóc được nuôi dưỡng kỹ càng, không như chiếc tổ quạ mà Dương hay vẽ vào sổ trong những năm tháng ấy. Tuy nhiên, nếu để ý, vẫn còn vài cử động nhỏ của tuổi mười sáu, mười bảy còn lưu lại. Chẳng hạn khi cậu khịt mũi, cách cậu hay ngước nhìn lên những mái nhà và vòm cây, hay khi cậu lúc lắc bàn tay những lúc không biết nên nói gì. Chín Ngón đi cùng tôi vừa mới vừa xưa cũ, vừa lạ mà cũng thân quen.

Quen nhất là bàn tay cậu. Bàn tay trái thiếu đi ngón út.

“Này là do chơi pháo hồi cậu lên sáu phải không?” Tôi bật cười. Sự chững chạc của Chín Ngón biến mất, cậu lắc lắc cổ tay, khụt khịt mũi, giọng ngượng ngùng: “Sao mấy chuyện này mà cậu nhớ rõ thế?”

“Ai da, tuổi thơ oanh liệt như thế, mình làm sao mà quên được?”

“Tào lao.” Cậu mắng, nhưng cũng cười.

Cảm thấy nhẹ nhõm hơn, tôi bước tiếp, cố nhảy chân sáo để bỏ lại Chín Ngón phía sau. Nhưng một nỗi lo lắng cồn cào trong tâm trí: Mình vẫn như hồi đó, không thay đổi chút nào hay sao? Điều gì đã khoá mình lại?

Liệu… có phải là những chiếc bóng của Dương?

-

Chúng tôi bắt đầu thân nhau từ cuối mùa mưa năm ấy. Mối liên kết giữa ba đứa bắt đầu một cách mơ hồ, rồi từ lúc nào không biết, xó lớp ấy đã là của riêng chúng tôi. Tôi luôn nghĩ Chín Ngón trông chừng Dương và tôi từ phía sau, theo bản năng hào hiệp mong muốn bảo vệ người khác của cậu. Cậu muốn đảm bảo rằng mỗi ngày, Dương và tôi vẫn tồn tại. Chín Ngón tử tế lắm, không nề hà bất kỳ việc gì chúng tôi nhờ, từ nhặt viết thước rơi đến mua nước cho hai đứa trong giờ nghỉ. Giờ trực nhật mới là lúc tôi cảm ơn Chín Ngón nhất, vì cậu là đứa duy nhất trong lớp lau sạch mọi góc bảng mà không cần run rẩy đứng trên ghế. Dương hay mỉm cười nhìn cậu, cậu bối rối quay đi. Tôi tặc lưỡi, làm như không thấy gì.


Tôi nghĩ hầu hết những năm cấp ba đã trôi qua khá yên bình. Tôi đã có hai người bạn thân thiết, dù trông ba đứa không náo nhiệt như những bộ tam, bộ tứ khác trong lớp. Một đứa thì ưa ngượng ngập không đâu, đứa kia hay u sầu vì những lý do bất định. Tình bạn của chúng tôi luôn dịu dàng, thảng hoặc có chút băn khoăn bứt rứt như lúc đất trời nín thở đợi cơn mưa tuôn xuống. Đôi lần, Chín Ngón chịu cho chúng tôi xem kỹ bàn tay thiếu ngón út của cậu, cho phép Dương được đến gần mà ôm ấp bàn tay lớn của cậu vào trong bàn tay nhỏ của Dương, cho phép tôi lải nhải khi mường tượng ra mọi giả thuyết ly kỳ về chuyện ngón tay của cậu đã biến đi đâu mất. Làm sao cậu đối diện với chuyện ấy? Làm sao cậu vẫn đánh bóng chuyền hay đến thế? Dương hay làm một cử chỉ là đặt ngón út của mình bên dưới ngón út cụt của cậu rồi nhìn thật lâu. Tôi có cảm tưởng quãng thời gian ấy đủ để mọi mỏm băng ở hai địa cực và đỉnh núi tan chảy. Cho đến khi Chín Ngón rụt tay lại, quay đi. Tôi cố bật cười để xua đi cơn lúng túng.

Dương hay vẽ. Cô dùng bút chì và dường như có thể gọi tên hết mọi sắc thái sắc thái giữa xám và đen. Dưới bàn tay cô, đường chì thoạt tiên chỉ là những sợi chỉ rối, rồi dần dà đan vào nhau thành một trật tự mà chỉ mình cô hiểu. Có lần lớp vắng tiết cuối, lớp lục tục ra về, nhưng Dương ở lại, cặm cụi lia nét chì lên một tờ giấy tập. Tôi và Chín Ngón cùng nán lại đợi cô như một giao ước: Chúng tôi không bao giờ để Dương một mình khi ở trong trường. Tan trường, trên tờ giấy đã đổ nghiêng những chiếc bóng của tán cây và một bóng người đang đứng dưới vòm lá. Hôm sau, Dương cho chúng tôi xem bức vẽ ấy, giờ đây đã trông như bức hình ngược sáng. Cành lá khi thưa khi sẫm, đám hoa và lá rụng trải những đốm xiên xẹo trên đất, còn hình người kia thì đang cúi xuống tìm kiếm bóng của mình, dường như không hay biết rằng bản thân mình cũng chỉ là một chiếc bóng mà thôi.

Năm lớp mười một, vào sinh nhật tôi, Dương tặng cho tôi một bức vẽ ngôi nhà nằm ven đầm nước dưới tán rừng, bởi tôi từng nói với cô rằng câu chuyện tôi thích nhất là Con Gái Chúa Thể Đầm Lầy của Andersen và ước gì được ở trong khung cảnh huyền ảo ấy. Trong tranh, Dương vẽ hoa sen mọc trên đầm và ngôi nhà đang toả khói bảng lảng từ gian bếp. Dương dùng những vùng màu xám chuyển tiếp nhịp nhàng kỳ diệu. Đó là một trong những bức vẽ ấm áp hiếm hoi của Dương

Dương không mấy khi vẽ người. Cô thường vẽ bóng trăng cứa qua song cửa như những nhát dao, bóng những ngọn đồi chao đảo sau cơn địa chấn, bóng con diều trôi trong mây thẳm, bóng ngọn hải đăng đơn độc trước biển đen gầm thét. Và cả bóng của một cơn mưa.

Tôi buột miệng gợi lại chuyện ấy với Chín Ngón, rằng cậu có nhớ những bức vẽ của Dương mà tụi mình từng xem không? Bây giờ nhìn lại thì có những bức tranh đầy bất trắc. Tôi đã không đoán được những rủi ro giấu trong các nét chì xám, nhưng tôi tin - bằng thứ niềm tin chợt vỡ oà và làm tôi nghẹn thở, rằng Dương đã cố nói với chúng tôi, bằng thứ ngôn ngữ chỉ một mình cô nói trên trái đất bao la này.

Cậu gật đầu. “Nhưng mình không hiểu vì sao?”

Tôi đáp, cũng không khá hơn cậu. “Mình cũng không hiểu.”

“Giá như lúc ấy chúng mình hiểu được… có thể nghe thấy tiếng Dương gọi qua những bức tranh. Cậu hiểu không? Bỗng dưng mình cảm thấy ngày xưa mình vô dụng biết bao, bởi có những chuyện lẽ ra mình nên biết, nhưng…”

Tôi nhắm mắt, thở dài: “Nhưng dù hiểu rồi thì thế nào nhỉ? Cậu và mình sẽ chuẩn bị tốt hơn trước việc cô ấy ra đi, hay sao?”

Tôi chợt giật mình bởi lời vừa thốt ra. Đúng rồi, nếu chúng ta biết trước rằng mất mát sẽ đến như một định mệnh, liệu trải nghiệm ấy có bớt đau đớn hơn không?

Tôi thì thầm. “Làm gì có chuyện “lẽ ra” trên đời này đâu.”

Chúng tôi đã đến cuối dốc, nhưng không ai muốn dừng bước. Được cậu dìu dắt, tôi bắt đầu bước ngược lên phía trên. Tôi không nhìn theo bước chân mình, mà nhìn vào thâm tâm. Tôi thấy cái khoá trong mình hiển hiện mồn một.

-

Sau rất nhiều năm, tôi mới nhận ra rằng tôi mất Thuỵ Dương mà không kịp hiểu cô.

Tôi không hiểu những chiếc bóng vẽ chì. Càng không hiểu nhiều sự kiện khác. Trong tất thảy những điều Dương đã gồng gánh, điều gì đã khiến cô chọn bỏ chúng tôi mà đi mãi?

Vào khoảng giữa năm lớp mười và kéo dài đến giữa năm mười hai, nếu không tính những kỳ nghỉ, tôi, Dương và Chín Ngón hay có những chuyến đi loanh quanh thị xã vào buổi chiều. Không có nơi chốn định sẵn, chúng tôi hẹn gặp ngay tại trường rồi cứ đạp xe đến bất cứ nơi nào có thể. Dương được ba đưa đến chỗ hẹn, sau đó tôi sẽ chở cô, đạp cạnh Chín Ngón đi lòng vòng thị xã. Chúng tôi dạo qua các phố phường, ngõ ngách, những cánh đồng vùng ven. Chúng tôi vừa đạp xe vừa nói chuyện bài tập, môn này khó, môn kia dễ, chuyện có đứa đánh nhau bên hông nhà vệ sinh, hay Chín Ngón có thắng được trận tiếp theo hay không. Nhưng thường thì chuyện còn chưa kết thúc, Dương nói cô phải về rồi. Thế là tôi hoặc Chín Ngón sẽ đưa Dương về lại cổng trường, đợi ba cô đến đón. Đứa còn lại về nhà một mình.

Nhiều lần, tôi bảo hay để chúng tôi đưa Dương về tận nhà. Nhưng cô từ chối, trong mắt hiện lên những dao động lạ lùng, bối rối khôn tả. Mặc dù Dương biết đạp xe từ cấp hai, nhưng cô chưa một lần nào tự mình đến lớp. Ba cô luôn đưa đón, bất kể là đi học hay đi chơi. Dương nhìn thấy tôi có xe đạp mới màu tím nhũ bạc hồi học kỳ một năm lớp mười hai, bèn ngắm nghía hồi lâu. Tôi hỏi cậu thích kiểu dáng thấp này à? Dương gật đầu, mắt sáng long lanh. Nhưng hôm sau, cô đến lớp với hai mắt đỏ hoe, trán thì trầy một đường vừa băng bó lại. Dương bảo, năn nỉ cả buổi tối, nhưng ba không cho là không cho. Ba còn đập bể chiếc bình hoa trên bàn thờ ông táo. Trán của cô là do mảnh vỡ văng ra, cứa phải. Tôi ôm lấy cô, bảo cô muốn khóc thì cứ khóc ra. Nhưng sau hai năm bên nhau, Dương học được cái lì lợm bên ngoài của Chín Ngón mất rồi. Cô nhất quyết không nhỏ một giọt nước mắt. “Xe đạp thôi mà. Sau này mình tự mua.” Dương run rẩy nói. Tôi chỉ biết ừ. Dương nói gì tôi cũng ừ.

Dương cũng không bao giờ dự lễ khai giảng. Sau lễ bế giảng, cô bặt tăm, không đi cắm trại hè, không tham gia hoạt động gì của lớp, và chỉ xuất hiện ngày thứ hai sau năm học mới. Cô hờ hững nói mình mệt do chuyến đi xa về quê nội ở thành phố. Tôi biết thừa rằng cô lấp liếm: chẳng có ai lại mệt đến nỗi nằm lả ở nhà sau chỉ một trăm cây số đi xe khách. Nhưng Dương cố gắng trở lại là người bạn của tôi và Chín Ngón, rồi cứ luôn miệng xin lỗi vì sợ chúng tôi giận lẫy cô.

Tôi biết mẹ Dương mất khi cô còn nhỏ xíu. Dương sống với ba từ khi cô bắt đầu có ký ức. Chúng tôi chỉ đến nhà Dương được vài lần trong suốt ba năm, đấy là năn nỉ Dương mãi cô mới đồng ý. Cô không thích chúng tôi đến, mà khi đã đến rồi, tôi vẫn nhớ rằng mình không hề thích ngôi nhà ấy. Nó rộng lớn nhưng u ám phía sau những bóng cây nghiêng ngả sau hàng rào. Phòng khách nhà Dương ít khi mở rèm cửa sổ. Ba của cô thường ngồi ở tràng kỷ, thu người lại, quan sát chúng tôi. Trên khuôn mặt hà khắc là đôi mắt sắc bén như dao. Ông theo dõi chúng tôi với sự hằn học làm tôi khiếp sợ. Chín Ngón phải chịu cái nhìn còn ác cảm hơn thế, ánh mắt thù ghét thấy rõ bao trùm cậu, dù cậu luôn lễ phép và chưa bao giờ táy máy thứ gì trong nhà. Tôi nghĩ ngón tay út bị khuyết của cậu đã gây ấn tượng rất xấu cho ông. Dù cho ngoài miệng, ông chưa một lần cấm đoán chúng tôi chơi với Dương, nhưng ánh mắt ông nói lên những từ ngữ xua đuổi nặng nề hơn bất kỳ lời chửi rủa nào. Ngoài ra, mọi cử chỉ của ông đều lầm lì, cục mịch. Nhà Dương không hề có tiếng cười, ít nhất trong những lần chúng tôi ghé đến.

Có dạo kia, tôi hỏi Dương cô thích nơi nào nhất trong nhà mình. Cô trả lời: “Góc đặt tủ lạnh.” Tôi biết góc ấy, nằm ở cuối nhà, chỗ ánh sáng cửa sổ không rọi trực tiếp và nếu tắt đèn, tôi có cảm tưởng rằng nơi ấy bị thứ bóng tối ngập ngụa quấn lấy. Đó cũng là nơi tôi tìm thấy quyển sổ của Dương khi đến tiễn cô lần cuối. Quyển sổ nằm trong hốc kẹt giữa tủ lạnh và bức tường, chìm hẳn vào bóng tối. Ba Dương không để ý, ông đang gào khóc ở nhà trước, hỏi vì sao con gái ông nhẫn tâm nhường ấy, bất hiếu nhường ấy. Tôi rùng mình sợ hãi trước tiếng gào như xé rách phổi của ông, cũng trước suy nghĩ rằng đã có lúc Dương ngồi bó gối ở đây, thẫn thờ nhìn bình hoa bể nát trên sàn nhà, mà không hiểu vì sao cô không thể có một chiếc xe đạp của riêng mình.

Rốt cuộc, Dương đang suy nghĩ điều gì khi cô quyết định rằng mọi chuyện sẽ kết thúc?

-

Ký ức cuối cùng mà tôi nhớ về Dương là cuộc nói chuyện bất thường của chúng tôi qua điện thoại. Tôi không dám chắc mọi chi tiết đều chính xác. Càng về cuối, những gì trí não còn lưu lại càng mờ nhạt như một cuốn phim trầy xước.

Đó là một buổi tối cuối tháng Tư. Trời nóng như đổ lửa, đôi ba trận mưa chuyển mùa đổ xuống cuối ngày không thể xua đi cơn oi bức vào đêm. Tôi đang đọc lướt qua một cuốn sách, không nhớ rõ tựa đề hay tác giả, rồi có tiếng chuông điện thoại reo ở nhà trên. Trong bóng tối, âm thanh nghe khô khốc, tràn đầy bí ẩn. Tôi bước ra ngoài, nhấc máy.

Giọng Dương vang lên từ bên trong, chậm rãi, không có chút cảm xúc nào.

“Cậu định nộp trường nào?”

“Khoa học xã hội và Nhân văn. Cậu tính sao?”

Dương hình như cố hít sâu rồi thở chậm một lúc, mới nói: “Mình không nộp đâu.”

“Sao vậy?”

“Không nộp là không nộp thôi.”

Giọng cô bất giác khiến tôi liên tưởng đến một trái mận chín nẫu trong vườn, gió thốc qua và nó lìa cành rơi xuống, không còn gì có thể níu giữ. Không ai giang tay ra hứng, trái mận ấy dập nát dưới đất. Một con sâu cựa mình chui ra khỏi thịt. Trái mận ấy đã thối rữa từ trên cành và không điều gì có thể biến nó trở lại vẹn nguyên được nữa. Giọng Dương vào buổi tối tháng Tư ấy là một sự đã rồi.

"Cậu có thật sư hiểu mình không?" Cô hỏi.

Tôi không biết trả lời thế nào. Hiểu Dương không ư? Về mặt nào đó, tôi phải hiểu cô chứ. Tôi là bạn thân của cô ba năm qua. Tôi biết nhiều về cô hơn hầu hết mọi người, chắc chỉ thua Chín Ngón một chút. Tôi vẫn thường ngắm nhìn cô thật kỹ để đảm bảo cô không tan biến trong tầm mắt, và quan tâm đến cô bằng cả tấm lòng thành. Nhưng… tôi có thấu hiểu được Dương không?

Dương chờ câu trả lời. Nhưng hình như tôi đã không đáp lại. Cô đành nói tiếp:

"Mình vừa vẽ cậu đấy.”

“A?”

“Ừ, mình vẽ cậu lúc cậu đạp xe trên con lộ nhỏ bên trà lúa xanh hồi chúng mình đi chơi trước Tết. Mình cố lắm nhưng không vẽ ra được kim tuyến bạc trên màu sơn xe đạp. Nhưng mà mình đã cố gắng. Trong cuộc đời thất bại này, mình đã liên tục cố gắng.”

“Cậu đừng nói thế nữa.” Tôi gần như van nài.

“Mình cũng vẽ Chín Ngón trong trận tranh vô địch hồi tuần trước nữa. Lúc cậu ấy tung người, vươn vai vượt hẳn trên lưới, lúc cậu ấy quyết đoán đập bóng và lớp chúng ta chiến thắng… Thật đẹp đẽ, tự do biết bao.”

Giọng Dương bắt đầu rạn vỡ. Tôi hốt hoảng khuyên nhủ, mong kéo cô ra khỏi cảm xúc tệ hại mà cô đang chịu đựng: “Mai cậu mang cho mình xem cả hai bức vẽ được không? Cậu ta chắc chắn lại bảo cậu vẽ đẹp hơn ở ngoài cho xem.”

Dương im lặng. Tôi đổi tay nghe máy ba lần nhưng không nghe thấy hơi thở của từ bên trong. Có chuyện gì với hơi thở của cô? Khi tôi định hỏi to thì cô thốt lên:

“Không, mình quyết định rồi. Mình xin lỗi.”

Cô cúp máy.

-

Tôi kể lại ký ức mơ hồ ấy cho Chín Ngón, cậu nghe rồi lắc đầu, giọng rạn vỡ. “Vì sao chúng mình không cứu được Dương?”

Tôi bất lực trả lời: “Chúng mình có thể làm gì được cơ chứ?”

“Cậu nói gì vậy?” Chín Ngón đột ngột lớn tiếng. Tôi ngạc nhiên quay sang, thấy lần đầu tiên trong buổi sáng nay, mắt cậu đỏ ngầu, tràn đầy tức giận.

“Chúng mình có xứng đáng làm bạn Dương không? Biết rõ cô ấy không ổn, nhưng ngoài những chuyện lặt vặt ra, chúng mình không hề biết Dương đã trải qua những gì. Cô ấy lúc nào cũng bị trói vào một nơi nào đấy không có ánh sáng. Cô ấy sợ đau, sợ vùng vẫy và sợ cả việc phải kêu cứu thành lời. Tất cả những rối rắm của Dương cuốn lại thành những chiếc bóng và … và chúng đưa cô ấy vào màn đêm.”

Tôi chết lặng, trân trân nhìn Chín Ngón.

"Hai đứa mình cóc làm được cái quái gì cho cô ấy hết!" Cậu thều thào nói, sải chân vượt lên trước tôi.

“Cậu nghĩ tôi không buồn bã, không tự trách mình hay sao? Cậu nghĩ chỉ có một mình cậu cố gắng hay sao?” Tôi phát giác gò má mình nóng hổi. Nước mắt tôi đã tràn mi từ bao giờ.

Chín Ngón ngoái lại, nhìn tôi khắc khoải. “Nhiều người nói tôi tội nghiệp bởi mất một ngón tay. Nhưng có sao đâu chứ… Tôi vẫn sống đấy thôi. Nhưng Dương đã không có cả thế giới. Tụi mình lẽ ra phải hiểu nhau hơn hồi xưa. Lẽ ra chúng mình phải học được cách Dương nói, chứ đừng để Dương phải cố học theo chúng mình. Nhưng mà nói những chuyện này bây giờ có còn ý nghĩa gì đâu? Không gì hết…”

Tôi sững người. Cả hai đứa đều thật sự vô dụng đến ngỡ ngàng. Lòng tôi quặn thắt.


-

Dương bỏ chúng tôi đi vào đầu tháng Năm. Mùa hạ chưa bắt đầu bao lâu, những cơn mưa rào vụt đến rồi vội vàng đi, mang theo người bạn của chúng tôi như cuốn trôi một giọt nước mắt vào lòng cơn mưa.

Sau cuộc điện thoại ấy, Dương xin vắng cả tuần liền. Tôi nghĩ cô đi điều trị ở thành phố, và định cuối tuần nhất quyết sẽ sang nhà thăm. Nhưng tôi không còn cơ hội nào nữa. Vào tối thứ năm, tôi nghe tin Dương mất. Ba cô, dù căm ghét chúng tôi đến phi lý, hiểu rằng Dương chỉ có hai đứa bạn khờ khạo này. Chín Ngón và tôi cuống quýt đạp xe xuyên qua đêm tối đến nhà Dương, vừa kịp lúc người ta vừa lau mặt, chải tóc cho Dương để chuẩn bị cho cô bước vào hành trình sau cuối.

Tôi nghĩ chỉ có Chín Ngón và tôi biết Dương đã làm gì, lúc chúng tôi chết lặng bên cạnh cô, cố gắng cầm chặt tay cô, phát hiện trên cổ tay trắng xanh ấy là những vết tích của một cơn sụp đổ. Dương đã hoàn thành quá trình tan vỡ như chính cô lựa chọn, để mọi sự sống chảy ra khỏi cơ thể mình và giờ đây, cô là một hình hài nhẹ bẫng, hư hao. Trông Dương xa lạ hơn bao giờ hết. Đôi mắt đen của cô sẽ không bao giờ mở to nhìn tôi đạp xe trên bờ đê chiều nổi gió và nhìn Chín Ngón vỗ tay khi cậu vào sân đánh bóng. Cô sẽ không khóc nữa. Không bao giờ.

Tôi không còn hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra với mình sau tang lễ. Dù vẫn ý thức được thời gian trôi và tôi còn những kỳ thi quan trọng trong đời, tôi không còn để ý hay bận tâm đến việc mình nghĩ gì nữa. Tôi biết mình đau đầu sau một đêm dài ròng rã ôn tập, đau dạ dày những lúc bỏ bữa, vai và gáy cũng rã rời khi kỳ thi càng lúc càng đến gần, nhưng tôi không thực sự cảm thấy cơn đau ấy. Chúng ở đó, hành hạ tôi, nhưng bởi vì tôi không bận tâm nên không hề phản kháng hay tìm kiếm sự giúp đỡ. Cứ như đầu óc tôi đã bị những con sâu chui vào đục khoét. Phần còn dư lại là những dấu vết mờ nhạt, lâu lâu nhói lên rồi trơ ra.

Vài tuần trước khi năm học sắp kết thúc, Chín Ngón xin dời lên ngồi chỗ của Dương trong ánh mắt thương hại của bọn cùng lớp. Trong mắt chúng nó, ba đứa chúng tôi thân nhau đến mức không thể tưởng tượng nếu thiếu đi một người. Nhưng quả thật chỉ còn lại hai đứa mà thôi. Chín Ngón ngồi cạnh tôi, lặng lẽ ngắm hai bàn tay của mình, nhìn thật lâu chỗ ngón tay bị khuyết rồi xuống mặt bàn. Tôi biết, trong lòng chúng tôi vương một nỗi buồn im lặng. Tôi tin rằng cậu cũng như mình, đứng trước nỗi buồn ấy như đứng bên miệng giếng đen sâu tối. Nhưng tôi không có ý định kéo cậu ra khỏi đó, bởi tôi đã rơi mãi trong cái giếng ấy, rơi hoài mà không bao giờ chạm đến đáy. Tôi thấy mình chỉ còn là một chiếc bóng rỗng.

-

Chúng tôi đã đi đến đầu dốc, rồi lại quay về khi trời đã đứng bóng. Nhà Chín Ngón ở phía sau khúc quanh. Chín Ngón lại trở về vẻ ân cần, điềm đạm. Tôi đã lấy lại nhịp thở đều đặn, mỉm cười với cậu:

“Mình ngưỡng mộ cậu.”

“Về cái gì?” Cậu ngạc nhiên hỏi lại.

“Về chuyện cậu còn chơi bóng chuyền, về chuyện cậu yêu quý Dương. Cô ấy cũng rất mến cậu, cậu biết không?”

Tôi kể cho Chín Ngón nghe về ngày đầu tiên cậu được chơi bóng và Dương đã dõi theo cậu bằng sự chuyên chú, với lòng dũng cảm vô ngần, trong suốt buổi chiều mưa tầm tã ấy. Chín Ngón nhe, xúc động chân thành.

“Cô ấy mến cả hai đứa.” Cậu khụt khịt mũi, cố nhìn đi đâu khác.

“Dương nói có hai bức vẽ tôi và cậu hở?” Chợt, cậu hỏi tiếp.

“Ừ.”

Cậu khẩn khoản hỏi: “Có khi nào trong quyển sổ của Dương không?”

“Có lẽ có, có lẽ không. Tôi vẫn chưa mở ra nữa.”

Tôi có nên mở quyển sổ ấy ra không? Nó được đặt trong hộp thiếc, cất vào đáy tủ trong phòng và khoá cửa lại trong suốt thời gian tôi xa nhà. Tôi đã chẳng hề muốn động đến. Vì sợ. Điều gì đã nằm lại bên trong những trang giấy? Những dòng viết sau cùng của Dương mà cô hy vọng sẽ đến được chúng tôi? Những chiếc bóng của chính cô đằng sau hai bức hình cuối cùng sót lại về kỷ niệm tình bạn của ba đứa?

Tôi ngước nhìn bầu trời xám. Một hạt mưa rơi ngay chóp mũi, toả hơi lành lạnh vào da thịt. Tôi dừng lại thật lâu để cảm nhận cơn đau trong sự ngơ ngác như thể mọi cơn mưa đều đang rơi xuống quanh mình.

Khi về đến trước nhà cậu, Chín Ngón gọi xe taxi cho tôi ra về, chúng tôi chia tay nhau từ đấy.

-

Đó là tất cả của buổi sáng hôm qua. Cứ như thêm một lần nữa, những mảnh vỡ còn sót lại của ba năm trung học lại cứa qua tôi.

Chiều đến, lại mưa lất phất rồi to dần đến nửa đêm. Sớm nay, trời mù mịt. Trong bầu không khí ngưng đọng, tôi chợt nghe tiếng xào xạc của cây lá trong vườn, có tiếng sủa của một chú chó nhà hàng xóm, tiếng chim se sẻ đậu trên cành mận đang gọi ai không rõ. Bỗng dưng, tôi thấy được tay chân mình bắt hình bắt dạng hơn. Tôi cảm nhận được hình hài và sự tồn tại của mình, cả những cảm xúc - dù chúng buồn bã biết bao.

Chín Ngón khác nhiều quá, trưởng thành rõ rệt. Tháng năm đã bao dung cho cậu, như cậu đã luôn bao dung cho bản thân mình và người khác. Cậu vững vàng bước tiếp vào cuộc sống không còn Dương nữa. Nhưng tôi thì không. Tôi vẫn chỉ là tôi của năm cuối cấp. Trong tôi có một cái khoá. Khi Dương chết, cái khoá ấy đột ngột đóng lại, ngắt lấy sự tiến triển sinh học của tôi, khiến mình chỉ còn là cái bóng, một vệt mờ chìm trong trận lũ hồi ức. Tôi có thực hiểu Dương không? Chín Ngón có không? Chúng tôi đã làm được gì cho Dương? Chúng tôi đã không cứu sống được cô. Chúng tôi có thực là bạn của cô không?

Có lẽ mai kia, tôi sẽ mở cuốn sổ của Dương. Nhưng còn việc khác… Tôi không nghĩ được gì nữa, bởi mọi thứ trên đời chưa bao giờ là “giá như”. Giữa tiếng động của thực tại, tôi thiếp đi một lúc, nghe nỗi đau nguyên vẹn tinh khôi đã trở về trong tôi

 Hết


5h26 PM, 15th May, 2007
0h18 AM, 1st June, 2023