Xanh Trong Chai (2023)

Xanh Trong Chai

Bản biên tập 2023

Truyện ngắn lãng mạn kỳ ảo

Dành cho độc giả trên 13 tuổi (Rating T) 

 

Vào một buổi chiều khi Người Già đang làm món mì xào tương cà trong bếp và mặt trời đang đốt những hơi uể oải cuối cùng phía Tây, bỗng dưng có tiếng kẽo kẹt phát ra từ sau lưng bà. Người Già chậm chạp quay lại, thấy cánh cửa sổ vốn khép nay đã bị mở toang. Bà chỉ mới mở một cửa sổ trước khi bắt đầu luộc mì để xào. Khi bà đang cắt hành tây thì cả hai cánh đã mở toang ra rồi. Bà nghĩ: “Chắc gió đấy”.

Nhưng Người Già lẩm cẩm ạ, trời đang kín gió. Mùi xào nấu còn lẩn quẩn trong bếp.

Người Già định bỏ mặc cà chua, hành tây và nồi mì luộc đang sôi sùng sục đến đóng cửa sổ. Không phải là việc mở cửa ra thì không hay. Nhưng bà vốn khó tính, không thích ai đó làm trái ý mình bao giờ. Nhưng chỉ mới vịn tay vào chấn song, Người Già đã khựng lại. Ồ, có một tiếng nói nhỏ xíu đang cất lên từ phía bệ cửa: “Khoan, khoan đã nào.”

“Ai nói đấy?”

Từ phía dưới cửa sổ, một cái chai nhỏ thảy mình lốc cốc trèo lên. Ô kìa, chai mà biết trèo! Nó ngật ngưỡng đặt đáy lọ xuống bệ cửa đánh “cách”, chao đảo rồi cuối cùng đứng thẳng cạnh một chấn song hoen gỉ. Chất màu xanh bên trong chai hắt ra thứ tiếng nhỏ như tiếng nước reo rì rì trước khi sôi.

“Chào đằng ấy buổi chiều nhé.”

“Ai đấy?” Bà hỏi, giọng thảng thốt quá chừng.

“Xin trân trọng tự giới thiệu đến đằng ấy…” Khi chai thuỷ tinh cất lời, chất xanh biêng biếc kia rung khẽ như đang cười khúc khích. Thực ra chai thì làm gì biết cười đâu? Nhưng cảm giác từ những tiếng rì rì như nước reo ấy nghe như cười thật. Mà cười rất tươi nhé, như giọng cười khúc khích của trẻ con.

“Tôi là Xanh, ở Trong Chai, nên tôi là Xanh Trong Chai.”

“Chào Xanh Trong Chai nhé. Chú mày có giống Thần Đèn trong truyện Aladdin không? Mà vì sao mày bị nhốt trong chai thế? Bà gỡ nút bần đi có được không?”

Chai thuỷ tinh run lên, “Ôi không! Tôi không bị nhốt. Tôi là cả Xanh và Trong Chai và hai thứ này không thể tách rời nhau được. Tôi không phải thần trong đèn đâu, là Xanh Trong Chai cơ!”

“Ừ nhỉ, bà xin lỗi cậu.”

Xanh Trong Chai nhảy qua chấn song, tung mình đáp lên vai Người Già, rồi tự lăn từ vai này sang vai kia của bà.

“Người Già ơi, bạn đang cô đơn phải không?”

Cô đơn à? Từ trước đến giờ, Người Già chỉ có một mình. Từ lúc mới sinh và giờ đây tóc bạc da mồi, lúc nào bà cũng tự mình đi hết chặng đường này đến chặng đường khác. Bà không còn bố mẹ, không có con cháu. Bà cũng chẳng phiền lòng. Dần dà mọi sự cũng thành quen. Mỗi sáng và mỗi tối, bà lại kiểm kê lại chính mình, thấy không có ai khác cạnh bên, rồi an lòng bắt đầu hoặc kết thúc một ngày. Năm tháng trôi đi, giờ thì nếp quen ấy có gọi là cô đơn không nhỉ?

“Bà không biết nữa Xanh Trong Chai ơi.”

“Nhưng tôi biết đấy.” Xanh Trong Chai đáp, búng mình vào túi tạp dề của Người Già, tỏa ra một làn hơi ấm áp vào bụng bà. Một hơi trầm dịu như những bài ca không tên bà hay hát khi còn là một cô bé. Đâu đó quãng giữa tuổi mười ba và mười chín… Hát thầm là cách tự an ủi “rồi sẽ ổn cả thôi” những khi bực tức hoặc buồn bã. Những đoạn nhạc nối từ bài này sang bài khác, dỗ yên những khi cô bé tuyệt vọng nhất rồi nghĩ, ồ, có khi nào mình sẽ chẳng bao giờ yêu thương hay ở cạnh ai được nữa.

Xanh Trong Chai nhỏ nhẹ khẳng định: “Là cô đơn đây mà.”

Người Già quay lại bếp, tắt nồi nước luộc. Bởi luộc lâu quá, sợi mì đã nhũn ra, nhìn thật ngao ngán. Bà vớt mì bỏ vào rổ cho ráo nước rồi lẩm bẩm: “Chắc là vậy.”

“Cho nên tôi mới ở đây.”

“Để làm gì nào?”

“Làm bạn.”

Xanh Trong Chai đã xuất hiện như thế đấy.

Người Già ho nhiều vào các buổi sáng tinh mơ và chiều tối. Thời còn trẻ, bà yêu một chàng trai có thói quen hút thuốc khi bối rối. Những năm chiến tranh, bà làm việc trong một nhà máy giấy. Bụi giấy có màu ố như gạo cũ, những bức vách sau nhiều mùa mưa hay một bếp than ám khói. Hai thứ ấy, khói thuốc và bụi bột giấy đã theo hơi thở mà vào sâu trong phổi Người Già, lắng lại trên màng tế bào, khiến mỗi lần bà tức ngực lại cảm thấy mùi khói thuốc đắng thơm phả ra từ mũi, còn hơi thở như vương màu vàng cũ. Vào buổi chiều tối, ăn uống xong, bà ngồi trên ghế mây trong phòng khách, đắp chăn lên chân, vừa nghe chương trình dân ca hay tin thời sự vừa đặt tay lên cổ kềm cơn ho. Ho cũng nặng. Nhưng ít khi bà chịu đi khám, cho rằng bói ra ma, khám ra bệnh. Bà chỉ uống nước ấm pha với mật ong hoa bạc hà.

Xanh Trong Chai lăn lóc quanh bốn chiếc chân ghế mây, đáy chai đánh lách cách lên gạch. Nó tiếp tục tung người lên tay vịn, rồi nhảy phốc vào giữa chăn trên chân bà.

“Bạn cần uống thuốc.”

“Không cần đâu chú nhóc.” Người Già khoác tay, rồi lại ho.

“Bạn ho lâu chưa nào?”

“Bà không nhớ… Có lẽ cũng lâu.”

Màn hình tivi ăng-ten râu dế lúc nhiễu lúc trong. Có cô biên tập viên trang điểm lịch thiệp đang đọc tin về động đất ở đại dương xa bằng giọng lịch thiệp. Nhà bên kia có hai mẹ con nương nhau mà sống, người mẹ dường như đang rửa bát nên nồi niêu va nhau chao chát. Nhà kế nữa là một cậu thanh niên đang xả nước giặt giũ rồi phơi áo phành phạch ngoài sào. Dây phơi chung của hai ba hộ giăng dưới mái tôn đỏ nâu, căng đầy những chiếc sơ mi cũ sọc ca rô, nhìn xa nom như cờ treo phấp phới. Người Già sống một mình trong khu phố này cũng lâu, từ khi bà biết mình già đi. Không tính chính xác thời gian được, nhưng từ khi dọn đến đây thì bà đã ho như thế.

Vào sáng sớm, những tràng ho làm bà nhớ đến hồi còn trẻ, khi bà hẵng còn đang yêu.

“Hồi xưa Phi hay làm một động tác rất buồn cười. Hễ nghĩ mông lung chuyện gì đó thì anh lại cau mày lại như một con cú vọ, hếch mũi lên “hứ”, tay lần mò trong túi áo để lấy gói thuốc. Bà còn nhớ màu của loại thuốc anh hay hút, bao màu nâu sẫm, trong nắng thì thấy chút ánh vàng. Màu bình dân mà đẹp lắm. Anh dứ điếu thuốc lên môi, rồi lấy hộp diêm quẹt. Anh có kiểu quẹt diêm vừa cáu bẳn vừa ấp úng như để người ta không thấy anh đang bối rối. Lửa xòe lên, anh châm điếu rít vội một hơi. Chính khi ấy bà bật cười – hồi thiếu niên bà thật dễ cười. Cũng vì cười mà bà hết hơi, phải hít trọn làn khói tỏa ra từ miệng anh. Đám khói rối bù như chỉ hỏng…

“Thế bạn Phi ấy bây giờ ở đâu?” Xanh Trong Chai hỏi.

“Ở lại.”

“Lại đâu?”

“Trong quá khứ.”

Xanh Trong Chai nhảy lên chiếc bàn kê gần cửa ra vào, nhìn ra ngoài cửa thấy mấy chiếc chậu đất nung để không, lăn lóc bên cạnh bản lề.

“Chúng mình trồng hoa đi, bạn và tôi. Trồng lan ý nhé. Loài ấy mà lên tốt thì thành một bụi sum suê, nở hoa nhiều ghê lắm.”

“Bà không biết nữa, bồ tèo ơi. Bà ơi yếu trong người…”

-

Khi Xanh Trong Chai đến, tháng Mười mới bắt đầu được ít lâu. Chiều buông hơi vàng ngà nơi chân trời dưới vòm xanh dương trong vắt. Theo đó, thời tiết bắt đầu hanh khô. Bởi ít hơi ẩm nên không khí nhẹ và thoáng đi nhiều, nhường chỗ cho vài làn hơi se sắt từ vùng núi non xa xôi vượt mấy trăm dặm về đến thành phố cũ. Xanh Trong Chai tự đề ra cho mình một nhiệm vụ là mỗi ngày lăn lộc cộc quanh các chấn song cửa sổ trong bếp, nhìn trời mà đoán thời tiết. Có vẻ như đang trong thời khắc dễ chịu nhất trong năm, nhưng ai mà biết đấy, cái rét có khi ngày mai lại xối vào.

Với Người Già thì thời tiết thế nào cũng vậy thôi. Chẳng can hệ gì đến bà. Với nhiều việc khác, bà cũng không thấy mình có liên quan. Có lẽ từ thời chiến tranh, lúc bà dẫu ở trong khói lửa vẫn không cảm thấy mình là một thành phần quan trọng gì. Ngày ấy, bao nhiêu cô gái đi tình nguyện làm dân quân và hậu cần. Bà chỉ là một phần trong hàng triệu sinh mệnh xả thân mình cho kháng chiến, nên tính ra cũng không là ai. Sau vài năm làm dân quân, bà đã làm công nhân cho nhà máy giấy trong vùng vừa giải phóng, bởi cuộc chiến tranh cần giấy để lưu lại hồ sơ về những người ngã xuống, cần sách báo để in những bằng chứng về lẽ phải và cái ác, về niềm tự hào chung và những nỗi niềm riêng giấu. Tuy ở vùng giải phóng, nhà máy vẫn có thể bị ném bom, nhưng bà không bận lòng. Bà nghĩ, nếu hôm nay mình ngã xuống, tất cả sẽ trôi qua như một giấc mơ dài. Nhưng bà vẫn sống cho đến khi ngày độc lập đến. Hoà bình rực rỡ bao phủ muôn nơi, bỏ quên một người đã không còn trẻ nữa dòng muôn ngàn dòng chảy người xe và cao ốc bắt đầu tràn vào đất nước. Bà trôi vào những dòng chảy ấy.

Xanh Trong Chai hỏi: “Bạn đi đâu?”

“Hình như là một thành phố nhỏ, lúc ấy đang tái thiết. Cũng không còn gì nhiều để nhớ.”

“Vậy còn Phi?”

“Bà không gặp lại Phi nữa, từ hồi mười sáu mười bảy tuổi. Không, không phải chia tay đâu ngốc ạ! Anh ấy và bà cùng đi xa, nhưng về hai hướng khác nhau. Thế là không gặp nhau nữa. Dần dà bà cũng quên gần hết. Chỉ còn mang máng nhớ Phi hút thuốc khi ngượng, còn bà đứng cạnh bên, hít thở mùi thuốc của anh…”

Tuổi già thường đi kèm với sự lãng quên. Cuộc sống là thế mà. Chuyện quên đi một người thanh niên bà từng quen biết  là chuyện không có gì đặc biệt, có thể xảy ra cho bất kỳ ông bà cụ nào đang ở dưới những mái nhà trong ngõ này. Nhưng mà Xanh Trong Chai nom rất buồn bã. Nó lăn lên túi áo khoác len màu xám của Người Già, im lặng giữa đống sợi hơi sờn. Màu xanh trong bụng nó ấm lên, hơi nóng toả ra vào lòng Người Già. Chợt bà vỡ lẽ ra rằng nó giống một đứa trẻ đỏ hoe mắt chuẩn bị khóc. Thế là bà an ủi nó:

“Thôi nào, đừng buồn. Hát gì đi nhỏ. Ta thích nghe cậu hát.”

Nấp trong túi áo, Xanh Trong Chai thủ thỉ hát. Giọng nó giống một đứa con nít đang sổ mũi tập ca. Các quãng nhạc cao cao, chầm chậm, không rõ lời, dường như là một bài ca Hồ Quảng phát trong mấy cuốn phim bộ Hồng Kông cũ. Xanh Trong Chai hát rất nhỏ và buồn. Người Già nặng nề ngồi lên giường, híp mắt. Trong lòng bà lắng lại nỗi buồn của sự lãng quên. Bà từng yêu Phi, tha thiết. Giờ đây khi anh đã mãi mãi bị lãng quên, bà vẫn biết mình từng yêu anh. Bà nằm xuống, díu mắt lại rồi ngủ trong nỗi buồn của thời gian. Xanh Trong Chai vẫn thủ thỉ hát cho đến khi nhịp thở bà chậm và đều.

-

Một ngày nọ, Người Già bảo Xanh Trong Chai ngồi vào một cái túi nhựa nhỏ có dây gút. Bà hỏi nó thế có ngộp không. Xanh Trong Chai bảo nhựa mờ chỉ hơi cản tầm nhìn cứ không ngộp gì cả với một đứa vốn đã ở trong chai rồi. Người Già yên tâm rút miệng túi lại, mặc thêm áo len rồi choàng khăn, cầm túi rồi cả hai cùng ra phố.

Họ đi qua xe bán đậu hũ chiên, hàng mì vành thánh, bước qua mấy khu nhà san sát, có nhà đang sơn sửa mấy chỗ tường tróc vữa. Phố xá có màu nâu vàng, trông như hàng ngàn bức tranh nhỏ được vẽ lên bằng thời gian, dần trôi êm ái về sau lưng. Khi họ đi men theo chiếc cầu bắt qua con kênh nhỏ, Xanh Trong Chai nhìn xuống và thấy những đám rong đuôi chó đang lay động, xen kẽ vào chúng là những mảng xanh mượt mà phản chiếu từ bầu trời. Trên đường đi, người Già vẫy chào những ai chào bà với một nụ cười móm mém. Xanh Trong Chai thì cứ khe khẽ kêu lên ư hử, như một đứa trẻ đang cố nhịn không há hốc mồm ra trước những cảnh vật đang thay đổi một cách kỳ diệu quanh mình.

Người Già bảo: “Hôm nay chúng ta đi thăm họ hàng.”

Cả hai lên xe buýt đến ga tàu ở gần chợ. Người Già mua hai vé, một người lớn và một trẻ nhỏ. Nhân viên nhà ga là một anh chàng trẻ tuổi tóc húi cua, buột miệng hỏi khi soát vé: “Bà dẫn cháu theo đấy à?”

“Phải, phải.” Bà đáp và cả hai cùng lên ngồi trên tàu. Bà ngồi một ghế, ghế kia để khăn choàng dày, vài quả xoài chín mua ở chợ và lèn chặt chính giữa là Xanh Trong Chai.

“Sẽ say một chút đấy, nhóc.”

“Ngày xưa tôi từng là thuỷ thủ, nên không nhằm nhò gì đâu.”

Khi tàu lăn bánh, Xanh Trong Chai thì thầm kể cho người già nghe chuyện nó đã từng phụ bếp trên một tàu hàng băng qua Ấn Độ Dương.

“Tôi ở một vị trí danh dự trong bếp. Một nơi cao quí và sạch sẽ hẳn hoi. Những người khác phải làm việc chung với nào thịt nào cá sống, nào nước rửa bát nào thức ăn thừa. Nhưng chỗ của tôi thì tinh tươm, ngăn nắp lắm. Công việc của tôi thì nhàn, chỉ việc ở trong chạn tủ. Hôm nào bóng đèn trong bếp bị hư thì ông phụ bếp lôi tôi ra làm đèn pin, vì tôi sáng như hải đăng Alexandria ấy, tốt hơn đèn pin nhiều lắm. Hôm nào may mắn thì tôi còn được lên tận phòng ông thuyền phó. Trên tàu không cho mở đèn phòng ngủ quá mười giờ đêm để tiết kiệm. Nhưng lâu lâu ông ấy lại thích đọc sách hay viết thư buổi khuya. Tôi thành đèn bàn của ông ấy. Mỗi lần viết thư, ông hay khóc…”

Từ chỗ Người Già đến nhà họ hàng, tàu phải băng qua cả sông cả núi. Hai người đi từ miền xuôi lên miền ngược nên tàu leo dốc là chủ yếu. Chuyến đi rất dài. Đôi khi Xanh Trong Chai có cảm giác rằng mình đang đi lên đến tận cùng chiều cao của bầu trời. Màu trời thăm thẳm tháng Mười lấm tấm vài cụm mây và in nghiêng những vệt rừng thẫm. Tiếng tàu xình xịch khi tiến vào thiên nhiên rộng lớn khiến Xanh Trong Chai buồn ngủ. Thế là ánh sáng của nó lịm đi, như một đứa trẻ dần dần khép đôi mắt to tròn. Xanh Trong Chai ngả sang bên, lắng lại và ngủ.

Đến chiều tà thì hai bà cháu đã đến thị trấn miền núi. Đón ở ga là một cô con gái trông còn trẻ. Tay cô cầm một giỏ đựng sách dạy học, trên cổ choàng một chiếc khăn len xanh màu rừng. Cô tên Mận, là cô giáo dạy trẻ ở điểm trường trong thị trấn.

Mận ôm choàng lấy Người Già trong vòng tay trẻ trung mảnh khảnh. Sương mờ xám bảng lảng trong ga, lẻn vào phổi làm Người Già ho khụ vài lần. Bà mỉm cười móm mém khi tựa đầu vào vai Mận. Còn Xanh Trong Chai bỏ trong túi áo, vừa tỉnh dậy đã thấy mình được bao bọc trong một chiếc ôm ấm áp.

“Sao bà lại lên đây? Vài tháng nữa con lại về phố, sẽ ghé thăm bà.”

Mận vừa nói vừa cầm lấy giỏ xoài hộ Người Già. Cô dắt tay Người Già đi bộ về nhà mình dưới triền dốc. Phủ quanh họ là ánh chiều hơi ngả màu hồng lựng cùng lớp sương đang dần dày quanh cành lá. Đi mãi thì đến một căn nhà nhỏ. Phía sau, xa tít xa, là những đốm sáng leo lét từ ánh lửa từ chái bếp của thị trấn.

Xanh Trong Chai cố gắng rướn lên để nhìn nhà bên núi – điều nó chưa từng thấy bao giờ. Cuộc đời thuỷ thủ đã dạy cho nó rất nhiều điều về biển cả và các thành phố quanh Ấn Độ Dương, nhưng núi non thì thật là xa lạ. Mận đưa mắt nhìn sang, “Ối!” Một tiếng, nhìn Xanh Trong Chai đang kêu rì rì trong túi áo Người Già bằng đôi mắt tròn to, kinh ngạc.

Bà vội trấn an Mận: “Xanh Trong Chai đấy mà. Vì là “Xanh” và ở “Trong Chai”, nên gọi như thế đấy.”

Mận tò mò: “Thế có giống thần đèn không hở bà?”

“Bà không biết Mận ạ.” Người Già vỗ nhẹ vào túi áo. Xanh Trong Chai khẽ lắc la lắc lư, rồi lại nhìn sang Mận cười khúc khích bằng âm thanh nước reo. Mận thôi không ngạc nhiên nữa. Trời đất bao la nhường ấy, những điều lạ lùng thì vô số. Nếu gặp chuyện gì cũng ngạc nhiên, Mận sẽ chẳng còn thời gian đi dạy học nữa mất.

Thế là Mận nhanh chóng làm quen với Xanh Trong Chai. Về đến nhà Mận, vốn là ngôi nhà chung của các giáo viên trường bản do đội biên phòng vận động các mạnh thường quân xây, Mận lấy một cái giỏ rồi lót khăn ấm đặt Xanh Trong Chai vào, rồi ôm cả giỏ cả chai vào lòng mình. Xanh Trong Chai có cảm giác rằng mình như một đứa bé con nằm trong lòng mẹ. Mận thổi lửa, nấu ít cháo. Người Già ngồi cạnh bếp, hơ tay và móm mém mỉm cười. Thi thoảng, bà lại ho. Những đợt ho kéo dài triền miên như tuổi tác, từ những hồi ức xa xăm về một tình yêu vương mùi khói thuốc. Những đợt ho khiến bà yếu đi, nhưng bà không vì thế mà khó chịu hay bận lòng. Mận thì không bình tĩnh thế, cô hỏi han suốt buổi ăn tối rồi lúc đến lúc Người Già đã ngủ thiếp đi và bếp lửa chỉ còn lại vài hòn than ấm.

-

Khi Người Già lần đầu tiên gặp Mận, cô hãy còn là sinh viên. Khi ấy, cô mảnh khảnh như thể một cơn gió cũng có thể cuốn cô lên đến tận đỉnh trời.

Khi ấy, thành phố đang có chương trình tình nguyện dành cho thanh niên. Những người lớn trong ban tổ chức bảo rằng: “Các bạn trẻ, bây giờ các bạn còn chưa hiểu được những ông bà cụ neo đơn vất vả như thế nào đâu. Có những mất mát và buồn đau mà các bạn chưa nếm trải. Nhưng các bạn có thể chia sẻ, đỡ đần cho những cụ ông cụ bà đang sống một mình trong thành phố mình, cũng là cách để các bạn tự mở một cánh cửa cho tâm hồn mình bao dung hơn đấy.”

Câu khẩu hiệu cho chương trình tình nguyện thì không dài dòng thế đâu. Nhưng sau nửa năm chăm sóc Người Già, Mận đã nghĩ như thế. Chăm sóc người lớn tuổi cũng là cách một cánh cửa mới cho riêng bản thân mình.

Hồi ấy, Người Già vô cùng cáu kỉnh. Bà hay giận những chuyện rất vô cớ. Mận lại không bao giờ cáu. Mỗi lần Người Già bực bội, Mận chỉ dịu dàng nghe, rồi một nụ cười nho nhỏ nở bừng ra trên gương mặt của cô. Đó là kiểu cười chỉ khi người ta còn rất trẻ và thật lòng yêu thương cuộc sống này mới có được. Mận là sinh viên nghèo, Mận mảnh mai và vất vả. Nhưng Mận luôn bừng lên được một nụ cười rạng rỡ. Mỗi lần Mận cười, Người Già không thể nào cáu được nữa. Rồi bà hơi buồn. Hình như từ lâu bà không còn cười được như thế. Quãng thời gian giữa những năm mười lăm đến hai mươi của bà hẳn cũng có đôi lần ghi dấu những nụ cười đẹp. Nhưng chao ơi, chúng đã trôi xa mãi mãi và bà không thể nào tìm lại chúng được nữa.

Nỗi cô đơn của Người Già cùng hoài hiệm mơ hồ về một quá vãng xa xăm đã hiện diện từ ngày Mận đến. Khi ấy Mận hay cẩn trọng dìu bà mỗi chiều leo từng bước chậm lên những bậc thang dẫn lên gác, ra ban công để ngắm bầu trời. Cô không hiểu được vì sao đôi mắt của bà lại hắt lên một chút mong chờ khi nhìn về phương xa, tít tắp phía sau những mái nhà lúc nhúc. Cô không hiểu được vì sao bà không bao giờ kể chuyện ngày xưa như những ông bà cụ khác, hay vì sao bà không có gia đình và nỗi buồn cứ yên lặng đọng mãi quanh bà như một bầu nước cuối cùng bao lấy một con cá mệt mỏi.

Khi ấy, tất cả về Người Già đối với Mận như một loại dự cảm lạ lùng. Dường như cô thấu hiểu, rồi đây, vài thập niên nữa, có khi bản thân mình cũng sẽ thành một gốc cây gốc cây thiếu nước hàng trăm năm, đã trút đi những thời khắc hân hoan trong đời và chỉ giữ lại một cách mơ hồ những ngày buồn bã. Thời gian của Người Già có màu trầm và tối. Những màu sắc khác, những khoảng xanh và vàng, đỏ và cam, những mảng rực rỡ khi người ta hân hoan và hạnh phúc, dường như đã bỏ bà mà đi từ lâu lắm.

Và rồi cả Phi.

Phi mà bà đã từng yêu thương tha thiết.

Phi của rất lâu về trước là một anh thanh niên cao lớn, hay ngượng và hút loại thuốc lá bình dân màu nâu vàng. Phi của thời thanh niên hay đứng trên cầu và nói những chuyện lớn lao to tát của tương lai. Phi chỉ muốn ra đi và không bao giờ quay nhìn lại.

Những gì ngày xưa bà nhớ về Phi nhiều hơn một chút so với bây giờ. Khi ấy bà cũng dễ xúc động hơn. Khi Người Già kể với Mận về Phi, giọng bà và tưởng như trái tim bà đã run lên như hồi bà là một cô bé. Người Già cũng nhớ những bài hát mà mình đã từng ngâm nga ở tuổi mười sáu để nói thay lòng mình những khi bà ngượng quá không nói thành lời. Thay vì nói “Phi này, em yêu anh”, có một cô bé khi ấy đã chỉ hát những khúc ca thầm.

Bà từng kể cho Mận chuyện mà giờ bà cũng quên rồi.

“Một ngày nọ, Phi hẹn gặp bà ở trên cầu trong một ngày gió lớn. Hôm ấy anh đi chiếc xe đạp của bố, trong giỏ xe là một gói bọc giấy nhỏ, sau yên xe cột chiếc túi quai xách to. Anh mặc sơ mi màu cỏ úa, đứng bên ghi đông xe, nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn chảy. Bà lo lắm, lỡ như gió lớn quá, cả xe và người cùng bị gió cuốn vào lòng sông thì nguy. Bà gọi anh, anh không quay lại. Tầm mắt anh đang tìm kiếm những vệt nước ở điểm giao nhau giữa dòng sông và chân trời xa xôi. Anh đứng đó thật lâu, dường như đã nói thật nhiều, mà dường như không phải. Anh đã nói gì nhỉ? Rằng chí hướng của anh là đi đến nơi đang cần anh và bạn bè cống hiến cho ước mong xứ sở này không còn ai ngã xuống. Chí hướng ấy xứng đáng để người ta sống và càng xứng đáng để người ta chết. Thế rồi Phi mở gói trong giỏ xe, lấy ra một chiếc nón rộng vành màu đỏ. Phi đội lên đầu bà. Hai gò má bà chợt nóng lên, ướt nhèm. Bà luống cuống lấy tay áo lau đi. Khi bà ngẩng mặt lên, Phi và chiếc xe đạp đều không còn nữa. Anh thả dốc xuống chân cầu, đạp đi biền biệt.”

Đó là những gì trọn vẹn nhất có thể mà bà có thể kể về Phi.

Chiếc nón đỏ mà anh để lại cũng đã bay mất trong một buổi chiều lộng gió, như một bông hoa bị hút vào bầu trời giữa những đám bụi vàng. Rồi khi những giai điệu ngâm nga biến mất khỏi đôi môi, đã không còn gì ở lại.

-

Giờ đây, trong gian nhà nhỏ bên triền núi ướt đẫm sương đêm, Người Già đang ngủ, còn Mận đang để Xanh Trong Chai bên trán mà kể cho nó nghe chuyện ngày xưa. Xanh Trong Chai nằm im, cố kềm lại những tiếng nấc rì rì tỏa ra từ đáy sâu của chiếc chai thủy tinh. Nó nghĩ về một cô bé đã già đi mà không có ai bên cạnh, một chiếc nón đỏ thắm chứa những bài ca dịu dàng đã trôi mãi vào trong quá khứ, một tình yêu nhỏ đã bị dòng nước dữ dội đến tràn bờ cuốn đi vĩnh viễn.

“Người Già thích nghe tôi hát.” Xanh Trong Chai thủ thỉ với Mận.

“Ừ, vì bà không còn hát được nữa.”

“Mận này, vì sao lại thế nhỉ?”

“Sao là sao nào bạn nhỏ?”

“Vì sao lại buồn đến thế?”

“Mình cũng không biết nữa. Nhưng mà bạn nhỏ ơi,” Mận bảo, “Mình đến đây vì mình muốn sống vui vẻ và hữi ích. Mình dạy trẻ con rồi giúp các chị hội phụ nữ dạy cho những bà mẹ cách để khoẻ mạnh. Bà cũng muốn mình sống thế này, dù lúc mình ở với bà thì bà toàn cáu với mình thôi. Mà mình đến đây thì mình lại bỏ rơi bà mất rồi, nên nhiều khi mình buồn lắm. Bạn nhỏ làm thay mình chuyện ở bên cạnh và xoa dịu bà hay không? Nếu có thể thì mình cũng mong bạn nhỏ  làm những điều kỳ diệu nữa.”

“Điều kỳ diệu ư?”

Mận mỉm cười: “Ừ, chẳng phải chai đóng nút bần bao giờ cũng chứa một điều ước hay sao?”

“Mình chỉ là Xanh Trong Chai mà thôi, Mận ạ.” Nó ngập ngừng một chút.

“Chỉ riêng việc là Xanh Trong Chai cũng là kỳ diệu lắm rồi, chỉ cần chú nhỏ suy nghĩ thêm một chút nữa thôi. Nhé?”

Mận thủ thỉ xong rồi mỉm cười đằm thắm, rồi nhẹ nhàng cụng trán mình lên cổ chai.

-

Hai ngày sau, Người Già và Xanh Trong Chai từ biệt Mận. Cô tiễn họ ra ga, quấn một chiếc khăn len lên cổ bà, dúi vào tay bà một bình mật ong hút các loại hoa thảo dược trong rừng. Cô bảo: “Tạm biệt bà ạ, ít tháng nữa cháu lại về thăm.” Mắt cô đỏ hoe lên. Lúc tàu bắt đầu lăn bánh, Người Già ngoái lại nhìn Mận đứng bên sân ga, thấy cô gái xinh xắn dần chìm vào bóng rừng phủ xuống, rồi cuối cùng màn sương che phủ cô khi đoàn tàu kẽo kẹt trên đường ray hướng về thành phố.

Khi những cánh rừng diễu qua, những đốm mây trên bầu trời thay nhau biến đổi, Xanh Trong Chai lăn vào giữa áo của Người Già. Bà đang ho những hơi thật nặng và khàn. Một lúc sau, bà bảo:

“Ừ thì chúng ta trồng lan ý.”

Xanh Trong Chai rướn lên một chút, thấy đôi mắt Người Già đang nhìn về xa xăm. Khuôn mặt bà mệt mỏi. Rồi bà thiếp đi trong tiếng xình xịch của đoàn tàu lao vụt qua những tầng không gian tít tắp.

Trên chuyến về, tàu luôn đón khách mới ở mỗi ga. Lúc có người đi ngang qua chỗ họ ngồi, Xanh Trong Chai chỉ dám nhìn lên một chút, thấy những hành khách ấy vừa mang vẻ hối hả trên gương mặt, vừa cất giấu những điều bí mật về cuộc sống của bản thân mình dưới lớp áp khoác dày. Nhưng bằng trái tim thuỷ tin nhỏ xíu và nhạy cảm vô cùng của nó, Xanh Trong Chai vẫn cảm nhận rằng rất nhiều người đang khấp khởi chờ đợi niềm vui được về nhà. Lúc đoàn tàu chui vào đường hầm xuyên núi và cảnh vật bỗng chốc tối om, Xanh Trong Chai lăn nhẹ vào giữa chiếc khăn đang đắp trên bụng Người Già, toả ra những hơi ấm nóng.

Xanh Trong Chai cũng có những bí mật riêng tư. Rằng nó có một trái tim chứa chan mầu nhiệm.  Vì thế mà một khối chất lỏng xanh biếc có thể hát, có thể cười, có thể tỏa ra ánh sáng như một ngọn hải đăng và ấm nóng như những giọt nước mắt chứa chan trên gò má chúng ta khi khóc – vì tất cả những niềm vui và tất cả những nỗi buồn.

-

Khi họ về đến thành phố, trở lại căn nhà nhỏ trong ngõ san sát những mái nhà nâu, Người Già vào trong kho, cặm cụi tìm một chiếc chậu gốm tráng men trắng. Bà mở nước rửa thật sạch rồi phơi khô ngoài hiên. Hôm sau, Người Già và Xanh Trong Chai ra một hàng cây cảnh rồi mang về ba nhánh lan ý con con. Giữa các bẹ lá xanh thẫm là một nụ hoa trắng nõn, nhọn hoắt. Bà xắn tay áo, lấy hơi một chút và bắt đầu việc làm vườn. Khu vườn này bé tẹo, chỉ bằng một chiếc chậu, nhưng bên trong nó cũng sẽ là đất tốt, ngậm đủ nước để nuôi một bụi lan ý to và một bụi cỏ nhỏ để Xanh Trong Chai nuôi dế.

Chẳng là, nó tìm thấy một con dế than trong góc bếp. Chú ta đang liều mình trốn đi đã bị Xanh Trong Chai chặn đường. Dế có nhảy đến cách nào cũng không lăn nhanh được như Xanh Trong Chai. Thế là chú dế than nhảy vào một chiếc lon thiếc, bị dọa đến sợ sệt, không dám trốn ra ngoài.

Nhưng Xanh Trong Chai đối xử với dế rất đường hoàng nhé. Ngày ngày cho ăn, khi ngủ cũng hát ru cho dế ngủ, thi thoảng lại để dế ta ra ngoài chơi giữa đám bẹ lá lan ý hoặc dạo quanh bốn chân chiếc ghế mây. Khi nó sôi lên rì rì gọi dế về, chú ta cũng ngoan ngoãn nhảy về, chui vào chiếc lon thiếc và gặm mớ cỏ dành cho chú. Nếu như đây là trong phim kiếm hiệp Hồng Kông, Xanh Trong Chai có thể gọi là bậc chính nhân quân tử. Nó thích bản thân mình tử tế lắm. Đêm đến, một chai một lon, một khối chất lỏng cùng một chú dế, cùng im lặng ngủ cạnh nhau dưới tán những bẹ lá xanh.

Tháng Giêng tới, mưa phùn ướt lạnh che kín bầu trời. Người Già ho càng nhiều, mắt cũng kém hẳn đi. Hơi ẩm khiến những khớp tay bà đau nhức. Những cơn buốt nhói lên rồi lịm đi theo các chu kỳ càng lúc càng ngắn. Đặt túc trực bên giường bà là một lọ thuốc giảm đau và một cốc nước ấm. Ấy thế mà, Người Già vẫn chăm chậu lan ý mỗi ngày. Chậu hoa đặt gần cửa nhà, phía dưới là cái ổ giẻ của Xanh Trong Chai cùng dế than. Giờ thì cây đã xanh tốt lắm. Giống này không sợ lạnh ẩm, vẫn đâm lá mới mướt mát cùng thật nhiều nụ trắng. Những chiếc nụ nở ra như cái muôi lớn, với những đường gân xanh non vuốt dọc phiến hoa. Người Già chăm cây xong lại rót cho mình một cốc trà thật nóng pha mật ong Mận gửi, ngồi trên ghế mây, mở tivi nghe từ thời sự đến tuồng, chèo. Bà nặng nề ngủ. Rồi cứ thế, ngày trôi qua và đêm trôi qua.

Xanh Trong Chai lăn tròn quanh chân bà, ngẩng lên nhìn dáng vẻ yên tĩnh nặng nề của bà, toàn thân chai bỗng dưng ửng nóng lên, còn chất lỏng màu xanh bỗng dưng cuộn hết lên trên. Từ chỗ đáy chiếc nút bần, nhỏ xuống từng giọt như một đôi mắt ậng nước.

-

“Dế à, em bảo anh nên làm gì đây?”

Trong bóng tối, lời thủ thỉ của Xanh Trong Chai không được đáp lại. Dế đã ngủ, cánh đã xếp. Xanh Trong Chai trở mình. Từ giữa lòng chai, một đốm sáng bé như hạt gạo bắt đầu nhen lên, dịu dàng lan tỏa ánh sáng biêng biếc như màu của của tầng nước trong nhất của biển cả cả được soi rọi bởi mặt trời ban mai.

Đó là ngọn hải đăng Alexandria của nó.

Là trái tim chứa chan nhiệm màu của nó.

Ngày xửa ngày xưa, có chàng phù thủy sống ở đại dương xa xôi. Chàng đem lòng mến thương cô con gái của một ngư dân khi chiếc chuyền câu của hai bố con lỡ đi lạc vào vùng hải phận chàng quán xuyến. Chàng muốn tặng quà cho nàng để mong nàng đoái hoài, nhưng xem lại của cải của mình thì thấy chẳng có gì quý hơn những phép màu mình có. Chàng đặt phép thuật của mình vào một chiếc chai thuỷ tinh nhặt được dưới đáy biển sâu, rồi đặt chai vào trong vỏ một con trai lớn, leo lên mạn thuyền đưa tặng cho cô gái. Nàng ngập ngừng nhận lấy món quà, lòng đầy sợ hãi bởi chàng là một phù thuỷ có khuôn mặt xấu xí với chiếc mũi khoằm và đôi mắt xanh như ngọn lửa đèn khò. Chàng đưa quà xong, tung mình khỏi mạn thuyền và tan thành bầy cá vảy óng ánh ngũ sắc xoay tròn rồi biến mất dưới ngàn vạn những tầng nước thẫm. Bầy cá dệt thành tấm lấp lánh ánh kim, bao phủ lấy con thuyền, nguyện cầu và dõi theo nàng từ đáy sâu của biển cả.

Cô con gái ngư dân vẫn không thôi sợ hãi. Nàng không hay biết chàng đã hiến sinh cho nàng mọi thứ: Pháp thuật của chàng đã ở trong chai, còn thân xác chàng đã biến thành loài cá mất hút vào biển khơi. Có thể loài cá ấy sẽ tiếp tục sinh sôi và mỗi lần nàng theo bố ra khơi, chúng sẽ quẫy những gợn sóng u buồn khi dõi theo nàng, nhưng nàng không bao giờ hiểu được. Mấy hôm sau, được phù phép của chàng bảo bọc để bố con về đến gần bến cảng, nàng vứt món quà màu nhiệm trở lại biển khơi, sợ rằng nó sẽ doạ sợ người trong trấn. Nàng ngây thơ biết mấy khi đã từ chối một tình yêu bao dung chân thành.

Theo nước cuốn, chai chìm vào lòng biển. Không biết bao nhiêu dòng thời gian đã trôi qua bên trên nó, ma thuật trong nó dần lắng lại, ngưng kết thành một sinh thể rỡ ràng. Rồi sự sống vươn lên từ đáy chai, đẩy toàn bộ chai ra khỏi cát bùn. Chai nổi lên mặt nước, rực rỡ như một vì sao vừa mới ra đời. Khi một người thuỷ thủ trên tàu viễn dương nhặt lên, nó lay động, biết hát, biết cười, biết an ủi người khác, biết tỏa ấm như đang dang rộng vòng tay cho một chiếc ôm.

Nhưng trên tất cả, trái tim của nó luôn luôn đầy ắp những phép nhiệm màu.

“Dế ơi, em bảo xem nào, anh có nên mở nút bần hay không? Anh sẽ không còn nữa, nhưng trước lúc đó anh sẽ làm được những điều kỳ diệu.” Xanh Trong Chai triền miên độc thoại xong thì nói với dế như vậy. Nhưng chú ta chẳng đáp lại, bởi đang ngủ trong đêm mưa mùa xuân gõ nhịp ru ca trên mái tôn nâu.

-

Khi tháng Giêng vừa trôi qua, Người Già nhận ra mình không còn nhiều thời gian. Bà có thể đếm được từng hơi thở trong mũi mình. Những đám hơi nhạt thếch và hẫng hụt như thể chúng chỉ còn là tàn dư của một sự sống đã kết thúc từ lâu.

Bà mỉm cười và duy trì những thói quen cũ. Vẫn hay ngồi trước ti vi ăng ten râu dế để nghe tin thời sự và xem hát tuồng, đắp một chiếc chăn lên bụng khi ngồi trên ghế mây, an ủi Xanh Trong Chai bằng cách bảo: “Cậu nhỏ, hãy hát gì đó đi nào, bà thích nghe cậu hát”. Xanh Trong Chai lại khụt khịt hát bằng giọng ư hử của một đứa trẻ con.

Tháng Hai có một đợt lạnh bất thường. Thời tiết trở chứng và tàn ác. Người Già nằm mê man trên giường nhỏ, đắp thêm một lớp chăn bông, nghe một cô ca sĩ trên đài phát thanh hát bài La Vie En Rose. “Em luôn nghĩ tình yêu chỉ là một từ ngữ, rằng người ta viết vào tô điểm những bài ca. Nhưng đến khi anh hôn em mới bừng tỉnh, rằng em sai và tình yêu ngụ tim này.”Bài hát hay kỳ diệu, thế mà Người Già nghe chữ được chữ mất. Cổ bà thắt lại, mũi phà khói trắng. Bà ngắm bầu trời tháng Ba màu xám nhoà nhạt qua khung cửa sổ con con. Bà nhìn Xanh Trong Chai gắng sức chăm sóc dế than bằng một đôi mắt đầy thương xót.

Vào một khuya cuối tháng Hai rét mướt, Xanh Trong Chai không ngủ được. Khi ta sắp phải chia tay một ai đó thân yêu vĩnh viễn, ta đều không ngủ được. Dế ủ mình trong bụi cỏ, thều thào những cái chân bé xí, trở người mấy bận và kêu rỉ rả những âm nghe thật buồn. Đêm cứ rét dần và cuối cùng không còn một hơi thở nào ở lại với thân thể màu nâu đen nhỏ xíu đó nữa.

Gượng dậy từ giường bệnh, tay chân đau đớn và mũi nghẽn sụt sịt, Người Già chôn nó dưới bóng lá lan ý bằng một nghi thức trang trọng. Ba đắp cho dế một ngôi mộ nhỏ. Xanh Trong Chai đứng chỉn chu và nghiêm trang bên cạnh như một chú lính chì. “Tạm biệt em”, nó nói trước ngôi mộ của dế than yêu dấu. Ba ngày sau đó, nó không ngừng nóng lên như từng cơn thổn thức.

Người Già ôm nó vào lòng. “Chao ơi bé con, chao ơi bé con”. Bà chỉ nói được nhường ấy, rồi im lặng để cho cơn đau và nỗi buồn ngấm dần vào thân thể.

Tháng Ba dài và im lặng. Khi tháng Tư về, cây lá cùng bầu trời trở nên hòa dịu trong một điệp khúc xanh non, Người Già biết rằng rồi đây có lẽ Xanh Trong Chai sẽ lại thêm một lần mất mát. Bà đang hấp hối.

“Chao ơi bé con.” Bà lặp lại, đôi bàn tay yếu ớt khẽ khàng vỗ lên thành chai. Xanh Trong Chai thì lại ước gì mình có một đôi mắt để khóc thực sự.

“Người Già ơi?” Nó hỏi. “Bạn còn muốn làm gì nữa không?”

“Làm gì nào?”

“Ví dụ là, bạn muốn ăn một loại bánh nào đó, muốn gặp ai đó, muốn tìm lại một cái gì đó. Ước nguyện ấy mà, bạn có không? Tôi có thể làm được, tất thảy mọi thứ, miễn là bạn mở nút bần ra.” Xanh Trong Chai cứng cỏi nói.

Bà cố nhoẻn miệng cười: “Chẳng phải làm thế thì cậu nhỏ sẽ bốc hơi đi sao? Không, không được, Xanh Trong Chai ạ, cậu nhỏ cứ ở trong chai là hơn. Hãy đi đi, vươn người lên vào cửa sổ của một người khác. Những người neo đơn thì ở khắp mọi nơi, cậu sẽ chóng tìm ra một người nào đó cần cậu thôi.”

“Bạn biết chuyện của tôi, chuyện ngày xửa ngày xưa nọ hay sao?”

“Tình yêu nếu không được gìn giữ cẩn thận thì sẽ bốc hơi đi mất, phải không nào?” Người Già gõ lên thành chai.

Ngày lại ngày, bà chỉ còn lại một xíu sức lực. Một buổi sáng thức dậy, bà phát hiện ra mình đã không thể ngồi dậy khỏi giường. Bà không thể cử động lấy một ngón tay, chứ đừng nói đến việc vươn tay đến cốc nước để bên giường mình. Bà chỉ có thể nằm đó và lắng nghe. Hai mẹ con nhà bên đang xối nước giặt đồ. Tiếng nước chảy róc rách nghe thật vui tai. Tiếng rao quà vặt ngoài ngõ, lảnh lót da diết vô cùng. Tiếng những chiếc áo căng trên những sợi dây phơi chung của khu phố chấp chới bay theo gió… Rồi tất cả những tiếng động lịm dần, một lúc sau, chúng tắt hẳn và tai bà chừng như đã hóa đá. Bà mấp máy môi và một dòng nước mắt chảy ra. Bà chớp mắt, rồi cảnh trí trước mặt bị nhòa đi. Thay vào đó bà nhìn thấy, lần cuối cùng trong đời, bóng dáng của một chiếc cầu bắc qua một dòng sông rộng và một chiếc mũ đỏ thắm bị cuốn vào những đám bụi vàng xa xôi.

-

Bằng hết sức bình sinh của mình, Xanh Trong Chai leo lên mái nhà. Tháng Tư, vòm trời cao lộng và xanh đến kinh khủng đang phủ lên tất thảy những mái nhà to nhỏ trong khu phố. Xanh Trong Chai so sánh màu của chính mình và màu của bầu trời, tự hào khi thấy sắc thái của cả hai giống nhau như đúc. Dường như bầu trời đã thu gọn lại dưới đáy chai, và từ đáy chai đang phản chiếu hết chiều sâu của vòm trời cao vợi. Quanh nó là những ngôi nhà cũ của một thành phố nhỏ đang dát từng lớp thời gian lên các mái tôn, góc tường. Những âm thanh da diết của con ngõ nhỏ khiến toàn thân nó run rẩy.

Ngắm nhìn thêm một lần nữa dáng hình quen thuộc của ngõ nhỏ, Xanh Trong Chai nghĩ có lẽ mình đang vừa cười vừa rơi biết bao nhiêu là nước mắt.

Và rồi, Xanh Trong Chai bật người tung mình lên thinh không, vẽ lên một đường cong rỡ ràng như cầu vồng sau một chiều mưa đằm thắm. Thời điểm ấy nó cảm thấy mình đang được nâng đỡ và không trung đang ôm nó vào lòng. Rồi xoảng một tiếng, Xanh Trong Chai vỡ thành vô vàn những mảnh thủy tinh nhỏ trên mặt đất. Giữa những mảnh vụn là một vũng nước nhỏ màu biếc xanh, sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời.

-

Cô gái nhỏ giở chăn thức dậy, trong một căn phòng nhỏ quen như hồi ức. Đó là một thời điểm xưa cũ, một ngày nhuốm vàng màu giấy ố. Chiếc máy nghe đài đặt trên kệ gần giường cô đang phát bài La Vie En Rose. Âm nhạc đong đầy khí quyển và làm cô mỉm cười. Cô ngồi dậy, cảm thấy thân thể mình thật nhẹ nhõm. Âm nhạc đối với cô luôn là một phép lành, chúng ngân nga trong phổi, khiến từng hơi thở cô trao đi và nhận lại đều chứa chan sức sống. Cánh mũi cô phập phồng trong ánh sáng. Cô hân hoan xỏ chân vào đôi xăng đan màu nâu, và mở cửa bước ra ngoài.

Trước mắt cô, một dòng sông đang dâng lên. Từ dưới đáy sâu, một dòng nước khổng lồ thong thả dâng lên, phủ ngập những con đường thành một dòng sông mà điểm giao nhau của nó với chân trời là ở một nơi xa tít tắp. Nước dâng đến đâu, nơi cô đứng vươn cao đến đó. Những mái nhà lút hẳn dưới chân cô, chìm trong lòng nước. Một bầy cá vây óng ánh ngũ sắc vờn quanh những ô cửa sổ màu xanh rêu, bơi quanh những chiếc áo sơ mi căng giữa những sợi dây phơi mà giờ đây đã trở thành điểm tựa cho đám ốc bảy màu. Dòng sông trong suốt và lấp loáng phản chiếu một màu xanh lạ lùng. Màu sắc vút vời như thể được pha trộn hoàn hảo từ nước của đại dương đẹp nhất và bầu trời của một ngày trong trẻo nhất. Một màu xanh vĩ đại. Nước dâng lên mắt cá chân cô, phát ra những âm rì rì như thể tiếng cười của một đứa trẻ con, vỗ vào chân như thúc giục cô bước đi.

Theo hướng nước, cô đi lên một chiếc cầu vươn mình dậy từ lòng sông, rũ những vệt nước khổng lồ ra tứ phía rồi khô đi trong lấp lánh nắng vàng. Cô bé bước lên cầu, ngập ngừng và hồi hộp. Cô đi thêm vài bước nữa, rồi lại vài bước nữa. Cuối cùng, lấy hết can đảm, cô đi đến đỉnh dốc cầu.

Một thanh niên dong dỏng cao, mặc một chiếc sơ mi màu cỏ úa và đứng cạnh một chiếc xe đạp cũ, đang đợi cô. Trong giỏ xe anh là một cái gói nhỏ và sau xe anh là một chiếc giỏ to. Anh sắp phải ra đi. Anh ngắm dòng sông và tự nhủ rằng phía hạ nguồn kia sẽ là miền đất mà mình đang tìm kiếm. Đó là nơi anh có thể sống và cống hiến toàn bộ bản thân mình cho đất nước anh yêu thương hơn sinh mệnh.

Mọi chuyện đã không khác đi. Ngay cả lúc này đây trong miền viễn thực, Phi cũng sắp rời bỏ cô gái nhỏ.

Cô tiến lại gần anh, biết mình sẽ khóc.

Phi nhìn sang cô, nom anh hơi lúng túng. Rồi như hiểu ra rằng cô chưa bao giờ giận anh, Phi bèn mỉm cười rạng rỡ. Anh nắm tay cô, kéo cô lại gần, cầm thật chặt đôi bàn tay nhỏ của cô. Anh hôn lên tóc cô và mở chiếc gói nhỏ trong giỏ xe, đem từ đó ra một cái nón đỏ thắm và đội nó lên đầu cô. Anh ôm chặt lấy cô và thì thầm gì đó vào tai cô. Cô khóc thật, nức nở, không thể kèm nén. Những hàng lệ nóng hổi thấm ướt vai anh. Rồi cô lại thì thầm vào tai anh. Những lời kỳ diệu, những lời có thể khiến tình yêu một lần nữa lại đi theo cô đến hết cuộc đời.

Anh buông cô ra, leo lên yên xe đạp.

Dưới bầu trời rực sáng, anh ra đi, mãi mãi.

Cô ở lại, vịn chặt chiếc nón đỏ trên đầu. Giờ đây, không một ai có thể mang nó đi khỏi cô nữa. Cô thầm hát, thật diệu kỳ làm sao khi chúng ta có thể hát để xoa dịu những nỗi buồn.

Dưới chân cô, nước bắt đầu rút đi, chiếc cầu dần hạ xuống. Cô bước xuống cầu đến một triền đồi trồng đầy lan ý. Giữa đám lá sum suê điểm xuyết hoa trắng muốt, một cậu bé nhô đầu lên nhìn cô với đôi mắt xanh thăm thẳm như màu của con sông ban nãy. Nó đến gần cô một cách ngập ngừng. Ngay lập tức, cô nhận ra nó, bèn cố nín những cơn thút thít rồi chào đón người bạn đồng hành bằng một nụ cười tươi tắn.

“Chào cậu nhỏ.”

“Chào bạn.” Nó ngập ngừng đáp lại, hai mang tai đỏ ửng.

Thật kỳ cục, cảnh trí này ấy mà. Có một chút dịu dàng len lén gieo mầm ở đâu đó và tứ tán trong không khí như bồ công anh. Chúng có thể làm bạn hắt hơi vì nghẹn thở, ứa nước mắt vì cay cay, và ho khan vì trong lồng ngực dường như có gió mềm mại cù qua.

Cả hai im lặng một lúc, nhưng rồi thì một trong hai cũng phải mở lời.

“Mình là Xanh, đã không còn trong chai nữa. Nhưng mình vẫn biết hát, biết cười, biết ôm người khác. Mình còn có thể làm được những điều diệu kỳ với trái tim đầy phép màu của phù thủy nữa.”

Cô mỉm cười: “Vậy có còn muốn làm bạn với Người Già cô đơn nữa không?”

Xanh, đã không còn Trong Chai nữa, trả lời bằng cách ôm lấy cô trong một vòng tay ấm áp.

Hết

17h05, 26.07.2023