Di tan | 1. Di trong trăng

Di trong trăng

Once upon a time, there was a dream called The Blooming Reef


Năm một chín chín mươi, nhạc sĩ Ryuichi Sakamoto soạn nhạc cho bộ phim Bầu trời bao dung đạo diễn Bernado Bertolucci thực hiện, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Mỹ Paul Bowles, xuất bản lần đầu năm một chín bốn chín. Bộ phim buồn bã và đánh thức câu hỏi miên man của chúng ta về số phận, về sự tồn tại của bản thân trong một thế giới ngày càng xa lạ và hoang vắng. Tác giả Paul Bowels tham gia một vai phụ trong phim, và khép lại bộ phim bằng giọng mình đọc một đoạn trích từ tiểu thuyết. “Bởi chúng ta không biết bao giờ mình sẽ chết, ta cứ ngỡ cuộc đời là suối nguồn không thể nào vơi. Nhưng mọi sự chỉ đến đôi lần trong đời. Đôi lần, thật ít ỏi. Cậu sẽ còn nhớ thêm bao nhiêu lần nữa, về một buổi chiều đặc biệt ấy của ngày bé thơ. Một buổi chiều sẽ ăn sâu vào chính cậu, đến mức thiếu nó thì cậu chẳng nhận ra cuộc đời mình nữa. Chắc chỉ thêm bốn, năm bận, mà biết đâu còn không nhiều như vậy.”

Năm hai ngàn mười bảy, nhạc sĩ Sakamoto phát hành album Async - đĩa nhạc đầu tiên ông thực hiện sau khi hồi phục từ căn bệnh ung thư vòm họng, nghe như những âm thanh cô đọng từ một khu vườn riêng tư của người nhạc sĩ, chiêm nghiệm chuyện đời của riêng mình mà cũng là của tha nhân. Vô định và xù xì, lặng lẽ và chênh chao, mong manh như sự sống hữu hạn, và ấm áp như buổi chiều mà Bowles nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết ra đời gần sáu mươi năm trước.

Ở một trong những bài chủ điểm của album, Sakamoto một lần nữa đưa giọng của Paul Bowels đọc đoạn trích của Bầu trời bao dung năm nào. Trong thời gian của Async, nhà văn Mỹ đã tạ thế từ lâu. Tiếp nối giọng đọc của ông trong bản nhạc cũng cũng chính là đoạn trích ấy đọc bằng nhiều thứ tiếng khác - Nga, Quảng Đông, Quan Thoại, Pháp và Nhật, trên các lớp sóng âm thanh điện tử lan tỏa, những âm nhiễu chìm nổi, và tiếng dương cầm ngân dài ở nốt trầm.

Tiếng dương cầm trầm lắng ngâm nga trong không gian của studio nhỏ. Từ bàn làm việc nhìn ra, vách kính lớn đã được cuốn hết rèm lên cao từ chiều khi Di muốn ngắm nhìn cơn mưa rào rạt đổ xuống. Giờ đây có thể thấy qua vách kính còn đọng nước là một góc nhỏ con đường bên dưới. Dưới ánh đèn vàng hơi tù mù, mặt đường còn loang loáng nước, những quán cà phê đã im lìm, các nhà hàng đã nghỉ, chỉ còn vài cửa hàng tiện lợi mở suốt hai bốn giờ còn lập loè sáng ánh neon trắng-xanh, từ trên tầng mười tám nhìn xuống như những ốc đảo bồng bềnh trôi trong hơi nước. Trong studio đã tắt hết đèn trên trần, chỉ còn một chiếc đèn dây tóc nhỏ được đặt trên bàn gỗ, nơi đặt máy tính, vài cuốn sổ và chồng tài liệu dày của Rặng từ những ngày sơ khai. Trên bàn có hai màn hình đã chỉnh về ánh sáng dịu. Một màn hình đang mở đang bản nhạc Fullmoon của Ryuichi Sakamoto, để lặp đi lặp lại. Di ngồi bên bàn, một khuỷu tay chống lên bàn, để bàn tay làm điểm tựa đầu, bàn tay kia áp vào một bên tai nghe không dây, để bản nhạc gần cô hơn một chút.

Ngày đã muộn quá, cô không còn để ý đến mặt mũi tóc tai. Mái tóc dài được quấn tạm trên đỉnh đầu bằng một sợi dây ánh kim xanh bạc, vài sợi tóc con nâu sẫm loà xoà xuống trán. Chiếc áo sơ mi lụa cát đã không còn thẳng thớm từ lâu. Trên khuôn mặt êm dịu của cô, môi son đã phai màu, hai chân mày đang cau lại, cố giữ sự tập trung sau hơn mười bốn giờ làm việc.

Ở một màn hình khác, Di đang xem lại những mô hình thiết kế cảnh quan của Rặng biển vào ban đêm. Điểm khó nhất cho Di và đội dự án là phần đặt vị trí những nguồn sáng. Khác với ban ngày khi Rặng được soi rọi bởi một ngôi sao nho nhỏ được lập trình để rạng ngời vĩnh cửu, ánh sáng ban đêm thật khác. Ban đêm mọi thứ đều biến chuyển, thật dịu êm mà cũng bí ẩn muôn vàn. Trên thiên cầu chàm sẫm là hai mặt trăng lớn bé nối đuôi nhau mà tròn khuyết, trăng lớn là ba mươi hai ngày, trăng bé là mười chín ngày theo thời gian thực, kéo theo đó là triều sẽ lên xuống theo những phương trình vật lý thiên văn giả tưởng mà Viking, ông giáo làng xứ Iceland của nhóm, đã viết ra khoảng ba tháng trước. Trong sóng nước sẽ là những cụm san hô muôn hồng nghìn tía, những loài thuỷ sinh lập loè neon, mỗi loài lại toả sáng bằng những dải tần khác nhau theo các hoa văn riêng biệt của từng cá thể. Avro và Jaewon, hai người thiết kế âm thanh của nhóm, đang cố thử neo bước sóng toả sáng vào nhịp tủa từng cá thể. Di còn muốn ở đầu ngọn sóng còn là vi tảo lân tinh phản chiếu ánh trăng, và khi sóng vỗ vào những ghềnh đá và bờ biển trong vịnh nước sẽ tan ra dịu dàng như tơ lụa.

Từ trong ngăn tủ, cô lấy ra một bộ các cảm biến dán vào hai bên thái dương và vòng quanh hai bên cổ tay, nhắn vào kênh chung của nhóm. “Nhã ơi, mở cổng cho dì vào, ở vùng vịnh.” Cô muốn tự mình đi vào Rặng và nhìn thấy trực quan nhất hiện trạng của những nguồn sáng ở vùng vịnh nước êm, trước khi ghi chú ra những điểm nào cần chỉnh sửa. Do Rặng còn đang trong quá trình hoàn thiện và phương thức giao tiếp thực tế tăng cường giữa Rặng và lữ khách chưa thực sự ổn định, mỗi lần Di vào đều phải có Nhã, người phụ trách nhóm kiểm định beta đang ở xa vừa vặn nửa vòng trái đất, mở cổng bằng một đoạn mã khoá. Nhã không kém tuổi Di bao nhiêu, nhưng do lần đầu tiên họp nhóm, dáng hình loắt choắt của cậu khiến Di ngạc nhiên quá đỗi, đến nỗi không thể nhịn cười. Như một trò trả đũa cô xem cậu như con nít, Nhã kiên quyết không chịu gọi “chị” hay “sếp” mà cứ gọi hết “bà thím” lại “dì”. Hơn hai năm làm việc cùng nhau, Di cũng thành quen. Ngoài chuyện đùa ra, Nhã có một vai trò vô cùng quan trọng. Cậu chịu trách nhiệm mở cổng và canh giữ bên ngoài, quan sát các tín hiệu của cô trong thế giới của Rặng, và nếu có chuyện gì bất thường thì ngay lập tức khoá cổng, ngắt hết mọi kết nối để kéo cô ra ngoài.

Nhã, có lẽ giờ này đang vừa họp nhóm vừa ăn vội bữa trưa với yến mạch, chuối và hạt dẻ cười, vừa sắp đặt lối vào và toạ độ cho Di, đáp lại: “Đếm ngược sáu mươi giây dì ơi.”

Di đeo chiếc kính thực tế tăng cường trùm gần hết nguôn mặt vào. Màn hình trong chiếc kính sáng lên và những con số số bắt đầu chạy. Mười sáu, mười lăm… vẫn để những tiếng dương cầm văng vẳng trong tai. Di đăng nhập sinh trắc vào Thiên hà và chọn bản beta của Rặng. Những giọng nói còn vang vọng từ bản nhạc bằng nhiều thứ tiếng xếp lên nhau, “Cậu sẽ còn có thêm bao nhiêu lần nhìn trăng rằm lên cao? Biết đâu chỉ độ hai mươi lần, mà như thế đã xem là vô tận.” Cô nhắm mắt lại lần nữa nhịp đếm ngược líp bíp của hệ thống  đã về chín, tám… ba, hai, một.

Di cảm thấy một cơn rung nhẹ từ những cảm biến lan vào dưới da. Ngay tức khắc cơ thể cô như rơi xuống, tay chân nhẹ bẫng, và không mất bao lâu để cô cảm nhận được mình quay trở về trong lòng nước.

“Dì có mười phút.” Nhã bắt đầu hẹn giờ. Một chiếc đồng hồ ảo hiện lên trong màn hình chiếc kính.

“Ừ, dì cảm ơn.” Di nhẹ nhàng đáp.

Cô gái mở mắt ra và thấy mình đã ở ngoài vịnh biển, ở chỗ nước gần bờ và những con sóng bắt đầu vỡ tung. Tiếng dương cầm chìm xuống sau âm thanh rào rạt của sóng biển và tiếng tí tách nước đang nhỏ từ mái tóc. Di đưa tay vốc lấy nước, trong lòng bàn tay cô là bọt biển, ngà ngà sáng lên rồi tan mất, để lại một âu nước nhỏ trong trẻo đang phản chiếu một góc hai mặt trăng trên thiên không. Di ngẩng lên nhìn thiên cầu thăm thẳm, với hai mặt trăng một ánh tía, một ánh ngà, đều đang là bán nguyệt. Hai mặt trăng nằm ở hai góc trời khác nhau, phủ lên vùng biển trong vịnh những dải sáng dịu dàng tương ứng. Di nhìn ra xa ngoài biển, quan sát thật kỹ những biến chuyển của ánh trăng phủ lên biển, theo chuyển động của nước mà tản mác mềm mại, rồi ánh xạ trên đỉnh những con sóng lăn tăn. Dường như những vùng giao nhau giữa hai mặt trăng chưa thật sự mềm mại như mong muốn, Di thì thầm vào máy ghi âm, nghĩ sáng mai sẽ gửi lại cho Khang ở nhóm thiết kế dựng cảnh.

Một tiếng líp bíp nhỏ bên tai báo hiệu có thêm người vừa xuất hiện ở bên ngoài Rặng. Một tiếng ngáp dài lan đến, lây cho Di, khiến cô ngáp dài theo. Tiếng ngáp này không phải Nhã, người đang đang ở giữa trưa nắng nóng.

“Khang à?”

“Tớ đây.” Một giọng nói biếng nhác cất lên. “Vừa chuẩn bị đi ngủ thì thấy điện thoại báo cậu vào Rặng. Đừng nói với tớ là cậu còn ở lại studio đấy nhé.”

“Cú đêm thì chịu, tớ chỉ tập trung nhất sau mười giờ đêm.” Di nói nhỏ đáp lại. Gần đây Jaewon mới cho phép thử nghiệm giao tiếp giọng nói giữa người đang trong Rặng và người ở ngoài. Điều này giúp lữ khách trong Rặng dễ dàng truyền phát những gì họ mắt thấy, tai nghe cho cộng đồng trực tuyến, để Rặng gần thêm một bước trong thế giới thực của mọi người về sau.

“Đằng nào cậu cũng không ngủ ngay phải không? Đợi tớ một xíu, bơi một vòng đã rồi ghi lại có gì chưa ổn luôn một thể.

“Cô ơi tôi tính tiền tăng ca.”

“Cậu ghi hoá đơn cho sếp tổng nhé. Khi nào ghi nhớ rủ cả hội.” Di điềm nhiên đáp, rồi bấm chọn một tính năng trên trình điều khiển. Ở Rặng, cơ thể của Di có cử động thoải mái hơn, không bị giới hạn bởi cử động cứng nhắc của loài đi bằng hai chân trên cạn chỉ biết hai chiều ngang dọc. Đôi chân của cô bắt đầu hoà vào nước, đôi tay mềm theo sóng, phổi co lại và dưỡng khí theo nước bắt đầu chảy qua những khe nhỏ vừa mở sau tai.

“Nhã ơi, dì thế nào?”

Nhã vẫn quan sát các chỉ số sinh trắc của Di bên ngoài. Dường như cậu đã hết ngạc nhiên với chuyện mỗi lần chuyển đổi, dòng năng lượng của Di lại sáng bừng lên. Cậu chỉ đáp nhẹ, “Bình thường nha dì.” Chuyện “bình thường” này, sau lần đầu tiên chứng kiến thì Nhã định hỏi, song Di chỉ mỉm cười tinh quái, “suỵt” một tiếng. Cậu im bặt, rồi từ đó cứ giữ lấy nó như một bí mật riêng giữa hai người cộng sự. Di có một niềm tin kỳ lạ vào Nhã, mà cô chưa bao giờ giải thích với Nhã vì sao. Nhã có một sự tôn trọng khó cắt nghĩa dành cho Di, mà lắm lúc Di thấy cảm động lạ thường bởi cử chỉ ấy.

Di cong người, đón một con sóng, rồi lặn xuống.

Cô bắt đầu rời khỏi vùng biển cản mà men theo thềm lục địa để bơi ra xa. Làn váy của cô bắt đầu kết những đốm lân tinh, những ngón chân cô bắt đầu trải thành màng dài, mỏng manh và linh hoạt rẽ nước.

Cô sẽ không nói cho Khang hay Nhã biết, kiểm tra chỉ là chuyện nhỏ. Chủ yếu thì vẫn là cảm giác này đây. Bởi đại dương là một chỉnh thể bao dung chứa đựng muôn chiều vạn hướng, Di lại có thể trở về cảm giác được là mình. Tự do, hoàn chỉnh, với đủ đầy sức sống và cảm giác về mọi thứ xung quanh. Dẫu chỉ là trong thời gian beta ngắn ngủi, ở trong một thế giới mà mỉa mai thay, được dệt nên bởi loài đi trên cạn mãi mãi không thể nào thở trong biển ngàn.

Cô không bơi xa, chỉ ra khỏi vịnh một chút, ở ghềnh đá ngăn vịnh và vùng biển mở mà nhóm còn chưa vẽ hết. Trên hành trình đó, cô lặn xuống đáy nước để ngắm mức tán xạ và phủ màu trăng trong nước, cứ xuống sâu thêm một chút thì sắc tía với ngà nhạt đi và màu xanh nhung của nước ngày càng sẫm. Di bơi qua những bầy cá lân tinh với dáng hình kỳ quặc, đi qua mắt của một ông rùa khổng lồ với vân da đỏ cam ánh xạ sắc xà cừ, đều do Khang vẽ.

Thực ra, chuyện của Khang còn dông dài hơn vậy. Khang có một người bạn đã lớn lên cùng cậu, qua biết bao nhiêu ngày tháng vẫn chưa bao giờ rời bỏ. Người bạn ấy, tới giờ Khang vẫn giấu tịt như một bảo vật riêng mình cậu có, chỉ góp vào Rặng những gì mà Khang nói là tâm nguyện của cô bạn ấy trong cuộc đời này. Hơn một năm trước, Khang đem bản vẽ sinh vật biển huyền ảo của cô bé ấy, ví dụ như ông rùa vĩ đại, như lũ sứa hoa, như bầy cá nhảy, để trước mặt Di. Khuôn mặt hơi bầu bĩnh, bình thường hơi lười nhác của cậu bỗng kiên định quá đỗi. Di ơi, tớ muốn vẽ chúng vào Rặng. Di họp nhóm, rồi cả nhóm bảo Khang cứ vẽ đi. Rặng đã là một nơi kỳ lạ đến thế, với một mặt trời bé và hai mặt trăng, với sóng tan thành ánh sáng, hẳn là thêm một xíu lạ thường của những loài thuỷ sinh cũng không thể nào lạ hơn được nữa.

Di cũng vì thế mà thỉnh thoảng cảm thấy như mình đang ở trong một phép màu.

Ông rùa nhìn cô hiền hậu, thấu suốt. Cô gật đầu chào lại, bơi qua ông để về phía thềm san hô bao quanh bờ vịnh. San hô dưới ánh trăng dịu dàng hơn dưới nắng. Di bơi thêm một vòng, ghi lại hết những mảng chiếu sáng còn chưa đủ hoàn chỉnh vào bộ nhớ của chương trình, rồi tìm về bãi cát mà cô đánh dấu cho riêng mình bằng một chiếc vỏ ốc màu đỏ. Nơi này cách mặt nước không xa mấy, lại vừa vặn đang lúc có mặt trăng lớn soi trên đầu. Di nằm xuống cát, mở mắt nhìn bên trên mình lớp nước lam rồi tía, tía chuyển màu lam. Tiếng piano của Fullmoon chưa bao giờ dứt. Trong ánh trăng soi vào biển, cô vô thức áp chiếc vỏ ốc vào tim mình, nghe tiếng nhịp tim cứ đôi ba nhịp lại ngưng, rồi lại đập, rồi lại ngưng.

“Bởi chúng ta không biết bao giờ mình sẽ chết, ta cứ ngỡ cuộc đời là suối nguồn không thể nào vơi.”  Paul Bowles còn đọc mãi câu nói của Bầu trời bao dung, Di còn nhìn mãi ánh trăng trên đầu đang dập dờn theo tiếng nhạc lan vào lòng nước.

“Gần hết giờ dì nhé.” Nhã nói. Sáu mươi giây đếm ngược lại bắt đầu. Nhã dần dần điều khiển cho Di thoát khỏi trạng thái chuyển mình, đưa cô trở lên mặt nước, để cô thở lại bằng phổi và tay chân trở về hình dạng cũ.

Vừa chạm đến mặt nước, Di cũng vừa thoát khỏi Rặng. Ngẩn ngơ một lúc, Di mới lắc lắc đầu cho tỉnh táo lại một chút, chỉnh ghế thẳng lại, tháo các cảm biến ra. Cô lấy thuốc nhỏ mắt trong túi, nhỏ vài giọt hai bên mắt cho mắt bớt khô, rồi mới quạy về nhóm làm việc chung. Avro, Jaewon và Viking, ba thành viên ít nói của nhóm, chắc nghe chuông báo Di vào Rặng mà cũng đã xuất hiện, xem có chuyện gì đang xảy ra.

“Mấy giờ rồi nhỉ?” Di vừa hỏi lại vừa vừa mở một bản mẫu vị trí các nguồn sáng trên màn hình làm việc chung và lấy bút cảm ứng viết góp ý cho Khang trên bản vẽ. Cô muốn mức độ tán xạ của ánh sáng hai mặt trăng toả rộng và ngẫu nhiên hơn một chút, dẫu biết rằng mức độ biến chuyển cao sẽ không dễ để thể hiện bởi các hạn chế hiện tại của phần cứng.

Nhã đáp, “Ăn trưa xong, chuẩn bị ngủ bù đây”. Di đọc tin, nhìn lại đồng hồ đeo tay, quả nhiên ở nơi cô đã gần mười hai giờ đêm.

“Ngủ đi cháu. Cả nhóm được ngủ. Hôm nay quá giờ là do Di muốn kiểm tra ban đêm thôi. Ngày mai đừng ai kêu ai dậy sớm nhé.”

“Cậu có kêu tớ cũng không mở mắt.” Khang khoanh tròn những ghi chú của Di, ghi tiếp cạnh bên, là mười ngày sau hãy trở lại đoạn này, cho cậu ấy còn có thời gian sửa. Di ghi đè lên “bảy ngày.”, và gửi thêm một biểu tượng cười chớp mắt.

“Rặng biển, nơi chốn tuyệt vời nhất, bao dung nhất, tự do nhất của toàn Thiên hà, sắp nở rộ.”

“Và tớ sắp xỉu ngang.” Khang gửi lại mấy cái biểu tượng con gà cận thị ngã lăn ra trên đất. Nhã, Viking, Jaewon, Arvo - tất cả cộng sự của cô, đều thả trái tim cho cậu ta. Di dụi dụi mắt, phì cười, gửi một biểu tượng che miệng ngáp dài vào nhóm, rồi thoát ra ngoài.

Dẫu đã thấm mệt sau một ngày dài, cô vẫn nương theo nền nếp rèn giũa được từ nhiều năm qua mà thu xếp ổn thoả tất cả mọi thứ đóng chương trình phát nhạc, tắt hết thiết bị, đóng máy tính, khoác lại chiếc blazer màu cam đất, rồi xách túi rời khỏi studio.

Studio của dự án nằm ở tầng thứ chín của một toà cao ốc văn phòng, nằm ở góc trong cùng của một văn phòng lớn nơi tất cả các đội nhóm tham gia Thiên hà cùng làm việc. Từ góc của Di, để đi ra ngoài cửa cần đi qua các studio khác của Thiên hà, nơi ban ngày có lẽ người ta đang vẽ rồng bay phun lửa, vẽ quái vật không gian, vẽ những cuộc viễn du đi tìm kho báu. So với những dự án ấy, Rặng dường như quá đỗi hiền hoà.

Nhưng Di biết, không hẳn.

Ở Rặng có một kho báu, chỉ dành cho người nào chịu tìm kiếm sâu nhất trong lòng nước.

Và trong trái tim mình.

Giờ này chỉ còn bác bảo vệ trực đêm ở cạnh quầy lễ tân, đang ngả ghế tựa ra sau hết mức, trùm một tấm chăn mỏng. Bác nhắm một mắt mở một mắt, thấy Di đi qua thì vẫy tay chào. “Con về cẩn thận, gọi xe chưa?” Di nhẹ cúi đầu chào lại, “Dạ con lái xe.” Rồi cô bước ra khỏi văn phòng, bấm thang máy xuống hầm gửi xe, tìm chiếc mini sedan nhỏ màu xanh biển, mở cửa quăng hết đồ đạc vào ghế phụ, rồi khởi động xe ra khỏi hầm lúc đồng hồ đeo tay vừa tích tắc bước qua khỏi điểm giao hai ngày mới, cũ.


A/n:

Nam chính chưa xuất hiện, và tất nhiên không phải thành viên trong nhóm làm việc của Di.

Chết rồi viết ra tự nhiên thấy plot của Khang với bạn hoạ sĩ bí mật thấp thoáng ở đâu đó phía sau chân trời lười biếng… :P

Và, Fullmoon của Ryuichi Sakamoto:
https://www.youtube.com/watch?v=UyK1VYUY_BI

Nguyên văn đoạn trích của nhà văn Paul Bowels:

“Because we don't know when we will die, we get to think of life as an inexhaustible well, yet everything happens only a certain number of times, and a very small number, really. How many more times will you remember a certain afternoon of your childhood, some afternoon that's so deeply a part of your being that you can't even conceive of your life without it? Perhaps four or five times more, perhaps not even that. How many more times will you watch the full moon rise? Perhaps twenty. And yet it all seems limitless.”