Những hình tương đối | Quất Tây - Mâm Xôi

Trừ phòng làm việc và phòng ngủ, nhà chính là giữa những bức tường là khoảng không gian rộng đến mức có thể để gió lùa vào và trôi qua mà không gặp trở ngại gì.


Quất Tây

Hồi đầu tuần, khi vừa kết thúc tương đối tròn trịa một dự án dài và mệt mỏi, Quất Tây cố ý ra phố để mua sắm. Thói quen này của cô bắt đầu từ những ngày đầu làm việc, dần dà bồi đắp qua năm tháng thành một loại nghi thức. Bởi chúng ta đã luôn làm những việc không mấy nhẹ nhàng về tâm trí, ta luôn nên mua cho mình những món đồ cất giữ một xíu phép màu của niềm vui. Tuy nhiên, những đồ đạc như thế thường chỉ được phát hiện bởi người làm loại công việc gian nan như Quất Tây. Bởi tính giới hạn cố hữu của vật chất, chúng không thể lưu giữ nhiệm màu mãi mãi. Thông thường, niềm vui từ chúng sẽ lịm tắt trước khi Quất Tây bước vào dự án mới. Tuy vậy, có một xíu xiu vui sướng vẫn hơn là để lòng trống rỗng.

Quất Tây mua một chiếc nến thơm hình quả táo.

Chiếc nến táo ấy nằm trên kệ của một cửa hàng bán đồ trang trí treo biển hiệu phai gần hết chữ nằm trong hẻm nhỏ. Cửa hàng tồn tại theo một kiểu hình hoàn toàn tách biệt khỏi những mảnh ghép còn lại của thế giới. Dường như nó chỉ hiện diện trong một miền không-thời gian khác, soi chiếu ảnh ảo của nó lên một góc nhỏ dễ bị bỏ qua trong thành thị mênh mông.

Dẫu vậy, Quất Tây đủ tinh ý để biết có một cửa hàng khuất nẻo hẻm sâu, có một lối nhỏ dẫn lên lên các bậc thềm gạch cũ. Khi cô bước chân qua thềm, phố thị lùi hết lại về sau, để lại một mình cô đứng ngẩn ngơ trước cửa hàng dường như đã không có ai đến trong thời gian dài.

Quất Tây bước vào trong, ngước nhìn những bóng đèn dây tóc được treo trên khung sắt đang thắp sáng vài chiếc kệ chứa những tấm thiệp và các quyển thơ tình. Ở phía ngoài, những tấm thiệp mở ra đã lời chúc, những dòng thơ dang dở đã bạc màu mực trên trang giấy úa màu. Ở góc ánh sáng không phủ đến, những dãy bàn trưng mấy chục chiếc đồng hồ mọi kiểu dáng và mỗi một chiếc lại chỉ một giờ khác nhau. Đồng hồ quả quít, đồng hồ đeo tay khảm đá thạch anh, đồng hồ tổ chim cúc cu kêu rúc rúc, đồng hồ dùng pin, đồng hồ cát, đồng hồ cơ dùng dây cót và đồng hồ đeo tay chỉ chạy khi có ánh sáng mặt trời. Ở góc tường là một chiếc kệ đứng đặt những bó hoa thược dược, cúc tua, hồng bụi, dương xỉ, cỏ đuôi ngựa, lá bạch đàn, lá cọ, lúa mì… Tất cả đều khô.

Nơi này tràn đầy những món đồ được chế tác để gửi gắm niềm vui, những lời chúc lành, những kỷ niệm thắp sáng hồi ức. Tuy vậy, có thể do giờ đây không còn mấy ai trân quý những điều ấy nữa, chúng khô héo, tắt ngóm mọi ánh sáng và chỉ để lại hình hài không mấy ngay ngắn bên ngoài. Quất Tây hít sâu, nghe thời gian đang xếp những tầng mùi bụi xám và cỏ cây phân huỷ lên mọi ngóc ngách, vương cả lên áo mình.

Trên một góc kệ cao quá đầu người, lấp ló giữa những mảng màu đơn sắc hao gầy, chỉ còn một chiếc nến hình táo còn lấp lánh một chút sắc màu. Quất Tây bước đến, vươn tay cầm chiếc nến táo, ngắm nghía bấc nến tạo hình thành cuống quả xanh giòn, vỏ bên ngoài đỏ ửng với rải rác đốm vàng li ti như những hạt nắng, hình dáng tròn trịa chắc tay của một quả táo ngon vừa chín tới, thơm lừng và mọng nước. Chiếc nến như vừa được hái từ một trang trại táo đẫm hương và trĩu quả, ấy vậy mà không thể ăn. Một vật thể hoàn hảo mà cùng lúc lại vô vàn khiếm khuyết, cất giữ một mẩu nhỏ xíu ảnh phản chiếu của niềm vui. Quất Tây nghĩ những điều vẹn nguyên bây giờ hiếm hoi quá đỗi, chỉ cần một mẩu phản chiếu, một chút nhắc nhớ, đã là quá tốt rồi.

Quất Tây ngắm chiếc nến một lúc lâu mới có tiếng nói của người chủ cửa hàng cất lên.

“Chao ơi, đây là món đồ đẹp nhất bác có đấy. Một người thợ làm nến tuần trước mới gửi mẫu chào hàng đến bác. Trông lung linh quá, bác sợ át hết những món khác nên mới cất lên cao. Quý cô tinh ý thật. Bình thường bác chỉ bán nhiều nhất là mấy bó cỏ khô và đồng hồ thôi.”

Cô theo giọng nói nhìn sang. Chủ cửa hàng là một người phụ nữ trạc ngoài sáu mươi. Mái tóc của bà bạc quá nửa, được cài ngay ngắn bằng chiếc kẹp khảm xà cừ. Bà mặc áo vải lanh, cười hóm hém, khoé mắt cong cong bình yên.

“Cháu có nhiều đồng hồ rồi ạ, nhà cũng không có bình để cắm hoa lá.”

“Cháu mua nến để tặng hay dùng, bác gói lại nhé?”

Quất Tây mỉm cười: “Cháu dùng ạ. Sắp đến xuân phân, cháu đốt nến xông nhà để đón thời gian thôi.”

“Xuân phân, thu phân, hạ chí, đông chí…” Bà vừa ghi phiếu tính tiền vừa cười nhẹ: “Lâu lắm bác mới nghe lại cách gọi này đấy. Bây giờ nhiều ngày lễ quá, cứ mỗi năm thành phố mình lại thêm những ngày lễ mới cho đủ các nhóm người di trú về đây… Bác cũng không còn phân biệt rõ nữa.”

“Cháu cũng không đâu.” Quất Tây gửi tiền chiếc nến, lúc này đã được bọc sơ lại bằng giấy và nằm trong túi xách: “Chỉ có những ngày mà thời gian trôi qua thật đặc thù thì cháu mới nhớ thôi.”

Ra khỏi cửa hàng, Quất Tây bước qua những lớp không gian mỏng. Cứ mỗi lớp, cô lại thấy một vết nứt, một lỗ hổng nào đấy thản nhiên hiện hữu. Có thể là ở con người, qua cách mà đôi mắt ai đó dáo dác tìm một hướng khác, ngược dòng con đường đang đi. Có thể là ở những toà nhà, với từng mảng chân tường dần nứt vỡ và tan ra thành bụi. Hay là ở những bảng hiệu quảng cáo tía đỏ xanh vàng, toả ra thứ ánh sáng mang tần số nuôi dưỡng nỗi buồn. Hoặc cũng ở những câu chuyện mà tình nhân kể cho nhau mà đối phương không nghe thấy. Có một tỉ cách dẫn truyền thông tin dệt thành mạng nhện trùm lên thành phố, vậy mà những tiếng nói cần được thốt lên vẫn tan mất vào thinh không. Có triệu nỗi khát khao cuộc sống chứa chan từng khoảnh khắc, rồi cùng lúc ấy là ngàn vạn cái chết lắng lại thành trầm tích, chìm xuống nơi những góc đường lâu lắm không ai gọi tên.

Quất Tây bình thản bước trong im lặng, vai khoác chiếc túi đang đựng đựng món quà cô mua cho chính mình. Cô đủ vững chãi để những mảnh vỡ của thành phố không thể chạm đến mình và làm sứt mẻ chút xíu niềm vui tươi ấm mà cô vừa có được. Cô theo đường quen, đi hết hai chuyến xe buýt qua các quận và đi bộ tiếp từ trạm về nhà, ở một quận không mấy đông dân cư ở phía Đông Nam của thành phố.

Trong thành thị ngồn ngộn vật chất, nhà của Quất Tây trống đến lạ thường. Giữa những bức tường là khoảng không gian rộng đến mức gió có thể lùa qua như đang thổi giữa đồng.

Dẫn lối vào nhà là chiếc cổng vòm sơn màu hồng nắng ửng.



Mâm Xôi


Mâm Xôi ngơ ngác đứng bên trạm dừng xe buýt, nhất thời không xác định được mình đang ở đâu. Thần chí cậu ta cơ hồ ở lại trên tầng mây nào đó khi cậu ta rơi từ không trung xuống mặt đất.

Lần hồi, cậu nhớ ra rằng mình hết tiền và cần việc làm để kiếm cái ăn. Sáng sớm nay, cậu nhận được cuộc gọi từ nơi cậu đăng ký nhận làm thuê, rằng có một ngôi nhà ở một quận bên kia thành phố cần thuê người dọn dẹp trước xuân phân. Cậu có địa chỉ, giờ cần đến, và hết. Cậu cũng không rõ ai là người đặt thuê mình. Cậu lên xe buýt, ngủ gà gật khi chuyến xe chậm chạp trườn xuyên thành phố, rồi choàng tỉnh cho cậu xuống xe trước lối rẽ vào một khu dân cư tĩnh lặng.

Mâm Xôi ở trọ đã nhiều năm, thường xuyên không một xu dính túi, càng không có máy tính hay điện thoại riêng. Lịch hẹn này được đặt thông qua tổng đài cung cấp người làm thời vụ, được gửi về buồng điện thoại công cộng cũ gần nơi ngủ trọ mà cậu đánh liều ghi vào mục “số điện thoại” trong đơn đăng ký tìm việc. Nếu không phải đang nhận việc ở nơi khác, mỗi ngày cậu đều đợi bên buồng điện thoại cũ mà hình như chỉ còn cậu đoái hoài. Cậu mang theo một chiếc ghế xếp, một quyển sổ vẽ và một nắm bút chì màu, chiếc gãy chiếc mòn. Vừa chờ đợi chuông reo, cậu vừa ngồi vẽ lại những bức hình từ khung cảnh cậu quan sát thấy từ những góc phố đã đi qua, những ngôi nhà hay văn phòng đã lau dọn, đến khi mắt mỏi nhừ và cậu chỉ còn nhìn thấy quanh mình toàn mảnh vụn. Phố phường, những cửa hiệu, những mái nhà nhấp nhô sau bóng cây thưa, những dòng xe nối nhau về muôn ngả và bầu trời bao phủ trên đầu. Chúng rã thành những mảng màu riêng biệt, như úp ngược một bức tranh xếp hình hoàn chỉnh để hằng ngàn mảnh rơi xuống, không còn mảnh nào chắp nối được vào mảnh nào, rồi mờ dần thành những đốm màu không đường nét.

Khi Mâm Xôi không còn cảm nhận được bất cứ phần vẹn nguyên nào của không gian xung quanh mình nữa, cậu biết hôm nay đã hết. Cậu thu dọn gọn gàng, bước trên lối quen về gác trọ, len lỏi qua những mảnh ghép trôi nổi khắp xung quanh.

Từ lúc nào không biết, Mâm Xôi thấy mình đã không có nhà. Cậu bị thảy ra giữa phố đông và kế sinh nhai là những công việc tạm bợ được gọi qua buồng điện thoại cũ.

Lần gần nhất, Mâm Xôi nhận chăm sóc chuột lang ở sở thú. Công việc đơn giản đến mức nhân viên của sở thú không ai nhận nữa. Họ thích những việc quan trọng hơn, chẳng hạn như chăm sóc hổ mẹ sinh con và điều trị ve rận cho hưu cao cổ. So với những con vật to lớn đường bệ ấy, loài chuột lang nhỏ bé quá tầm thường, hầu như khách lui tới cũng lãng quên. Chúng ở một khu chuồng trại ở góc xa, hàng rào xung quanh bằng gỗ cao bảy tấc rưỡi, quây lại một khoảnh đất cũng nhỏ bé tương xứng với kích cỡ của chúng, bên cạnh những gốc bàng lá rộng che bóng mát. Bên trong hàng rào gỗ sơn đủ màu là nơi ở của một tá chú chuột lang đốm. Có vách ngăn chia khu vực bên trong rào thành hai khu, một khu nhỏ xíu dành cho những chú chuột ốm cần được chăm nom hay chuột mẹ vừa chuyển dạ. Nơi ấy buổi trưa có nắng rọi qua khoảng trống giữa tán lá bàng. Nắng ấm và sạch biết bao.

Buổi sáng, chuẩn bị rau trái cho bầy chuột xong, Mâm Xôi theo lối mòn đầy những hố nước cạn, men theo bãi bùn đầy các sinh vật lưỡng cư nấp sau những bụi cỏ ướt, đến thư viện nằm ở góc khác của sở thú. Cậu mượn một cuốn sách tranh, đặt cẩn thận vào chiếc túi vải đeo sau lưng, rồi cũng theo lối mòn trở lại khu chuồng trại. Cậu rửa chân sạch sẽ bằng vòi nước ngày trước được thiết kế để tắm voi, trước khi bước vào khu nhỏ hơn của chuồng, nơi cậu trải một tấm bạt vải dù để nghỉ trưa. Cậu ăn trưa với khẩu phần do căng-tin của sở thú cấp, rồi ngả lưng xuống. Cậu mở sách tranh ngắm nghía từng trang, nhặt ra những ô màu lấp la lấp lánh dưới nắng. Ít nhất, trong thời khắc ấy, chỉ có những mảng màu tí hon từ trang giấy nhảy múa lên không, còn thế giới thì yên tĩnh vẹn nguyên, cậu cũng thấy mình hoàn chỉnh là mình.

Cậu xem mê mải và an ổn đến chiều, đến khi nắng đã nghiêng hẳn về phía chân trời. Lại đến giờ cho chuột lang ăn bữa tối. Xong xuôi, Mâm Xôi thu dọn và ăn tối cùng với các nhân viên trực đêm trong sở thú. Hôm sau công việc lại tiếp tục như thế: sáng cho ăn, chăm sóc con non hay yếu, theo lối mòn qua những hố nước đến thư viện trả sách cũ, mượn sách mới, ngắm tranh vẽ dưới trời trong nắng đượm. Nếu khu chuồng có khách, thường là trẻ con, cậu sẽ bày các trò chơi để lũ trẻ ở lại lâu thêm chút xíu. Nếu buổi tối hôm trước vừa mưa, sáng hôm sau cậu vừa làm việc vừa hít hà mùi nhựa thơm của cỏ cây, mùi mặn mòi của đất. Cứ vậy mà bình an suốt hơn nửa năm.

Một ngày kia, toàn bộ bầy chuột chết cả. Mâm Xôi khóc cả buổi sáng, không tìm thấy nguyên do. Cậu nhận thư kết thúc hợp đồng của sở thú ngay trong ngày.

Giờ đây cậu thấy mình đang đứng trước một mảnh ghép có hình dạng một căn nhà một trệt, một tầng, tường sơn trắng và cửa rào hình vòm sơm màu hồng thắm.

Nơi cậu sẽ nhận việc và cố giữ mình không bị cuốn vào cơn lơ-ngơ-toàn-phần lúc nào cũng chực chờ vồ lấy.

Như mọi lần.